Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân (CN) các KCN luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều nghị quyết, chỉ thị được Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện những năm qua.
Điều kiện ăn, ở tạm bợ
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, vấn đề nhà ở CN trong bối cảnh đại dịch được nhiều đại biểu đưa vào nghị trường, thảo luận, kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, nêu thực trạng đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư đã tấn công trực tiếp vào lực lượng CN ở các KCN, để lại những hậu quả nặng nề. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) dừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương. "Thực tiễn dịch bệnh đã làm nảy sinh hàng loạt vấn đề bức xúc của CN, đặc biệt là nhà ở" - ông Thường nói và cho biết số đông lao động di cư từ quê đến thành phố đang ở trong khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao. Vì vậy, ông Thường đề xuất cần bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có cơ chế chính sách riêng về xây nhà ở cho CN.
Nhà ở cho công nhân tại KCN Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội
Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu CN ở KCN, trong đó khoảng 1,2 triệu CN có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho CN KCN (được đầu tư xây dựng gần hoặc bên cạnh KCN) đã hoàn thành 116 dự án, với tổng diện tích 2,58 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho 330.000 lao động. Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, nhu cầu đầu tư xây dựng NƠXH cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và CN KCN giai đoạn 2021-2025 là khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỉ đồng. Trong đó, nhà ở cho CN KCN là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỉ đồng. Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, việc phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho CN, tuy đã có được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% CN tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).
Nhiều điểm nghẽn
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở dành cho CN, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút DN tham gia đầu tư NƠXH nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn DN đầu tư, vì vậy nhà ở cho CN luôn là vấn đề nóng bỏng, bức thiết.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Shinec, để tháo gỡ các điểm nghẽn về nhà ở cho CN, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là về tín dụng, cho các DN, chủ đầu tư. Để xây dựng Luật Nhà ở, trong đó có NƠXH, cần tích hợp giữa các luật: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thuế, các quy định, Nghị định về phát triển khu kinh tế, KCN. Đối với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, cần quy định rõ ràng, cơ chế thông thoáng. PGS-TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), khẳng định với tất cả nỗ lực trong những năm qua, ngay cả khi 100 dự án sắp hoàn thành cũng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của CN. Tình trạng nhà ở CN được cải thiện phần nào nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, không bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, hạ tầng xã hội gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống. Theo ông Cường, để giải quyết bài toán về nhà ở cho CN, cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành. Cụ thể: Đưa danh mục phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở CN KCN, vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đồng thời bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư NƠXH, góp phần bảo đảm "mục tiêu kép": Bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, CN).
Ông Đỗ Văn Quảng, Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam, đề xuất nhà nước cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN tham gia đầu tư, phát triển NƠXH cho CN như: Vốn, quỹ đất, thủ tục hành chính, thiết kế mô hình mẫu… giúp chủ đầu tư giảm thời gian xét duyệt hồ sơ, tiết giảm chi phí đầu tư, giảm giá nhà, gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ CN khi mua, thuê mua NƠXH. "Cần có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án cho CN; bảo đảm các dự án NƠXH cho CN thì chỉ dành cho đối tượng là CN, không để người không đúng đối tượng được mua với mục đích đầu cơ, kiếm lời" - ông Quảng nói. Các dự án NƠXH cho CN cần có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho đối tượng là CN như: nhà trẻ, siêu thị, bãi gửi xe, cây ATM.
Huy động các nguồn lực xã hội
Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), kiến nghị cần sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để thu hút và huy động được các nguồn lực trong xã hội cho việc xây nhà ở cho CN. Cụ thể, cần tách riêng nội dung nhà ở cho NLĐ làm việc trong và ngoài KCN với tư cách là một đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội thành một chương quy định về nhà ở cho CN.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5-10 khu nhà ở cho CN thuê, đáp ứng khoảng 50.000-100.000 CN được thuê nhà ở tại các địa phương đã được bố trí đất.
Bình luận (0)