Theo Bộ KH-ĐT, quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Xây dựng… vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ bao gồm cả phương thức đầu tư công lẫn PPP đã bộc lộ những vướng mắc, phát sinh. Do đó, cần được điều chỉnh, hoàn thiện, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) từ Trung ương đến địa phương cũng như nguồn lực tài chính khu vực tư nhân.
Các vướng mắc cụ thể trước hết về tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Bộ KH-ĐT cho biết quy định hiện hành khống chế tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP. Trong khi đó, có một số dự án đang chuẩn bị đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng, miền khó khăn, có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao; một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều… chiếm tỉ lệ cao trong tổng mức đầu tư. Nếu áp dụng đúng tỉ lệ này, các dự án sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong huy động vốn từ các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách theo phương thức PPP, Bộ KH-ĐT đề xuất đối với dự án giao thông đường bộ đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các dự án đi qua đô thị loại III trở lên, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Vướng mắc kế tiếp là về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua địa phương. Theo Bộ KH-ĐT, nhiều địa phương có văn bản đề xuất cho phép họ được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương. Tuy nhiên, những quy định hiện hành không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản; sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Trung ương.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ KH-ĐT đề xuất UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét, đồng thuận về việc đầu tư thực hiện dự án. Căn cứ Nghị quyết của HĐND, UBND cấp tỉnh thống nhất với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao UBND tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (nếu có) làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình. Bộ KH-ĐT đề xuất thí điểm các chính sách này trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày Nghị quyết được ban hành.
Bình luận (0)