Có một bông sứ trắng trước nhà mới nở, khe khẽ buông mình theo ngọn gió chướng se se lạnh chiều nay! Nhớ em, tôi nhớ Mỹ nhiều lắm. Tôi nhớ những mùa xuân thơ ấu ở một góc trời nhỏ Long An. Những mùa xuân cuối thập niên 60 thế kỷ trước.
Tuổi thơ và chiến tranh
Những buổi chiều vàng khi trời Mỹ Lệ bắt đầu vào xuân, tôi và Mỹ cùng chạy băng băng trên cánh đồng lúa Nàng Thơm vừa mới gặt xong rạ còn bén ngót, đã đưa tuổi thơ chúng tôi lên trên những cánh diều xa mút mắt trong ngọn gió đồng lồng lộng thổi.
Những mùa xuân ấy bất chợt ngắn lại. Thời thơ ấu của tôi cũng ngắn lại. Những thú vui hồn nhiên trên cánh đồng nhạt nắng, những đêm vui chơi trốn tìm trong ánh trăng mờ tỏ dưới rặng trâm bầu không còn nữa khi tiếng trống, tiếng mõ tre, tiếng đả đảo Mỹ - Diệm về từng đêm, cùng với những bước chân âm thầm lặng lẽ của anh Hai Hoàng, anh Bê-Te, anh Bảy Lộc, chị Mười Nâu… đã đánh thức giấc ngủ thơ ngây của chúng tôi ngày nào. Từ đó tôi chợt nhận ra chiến tranh đã về tới quê rồi!
Một quả đạn pháo 105 ly bắn hú họa từ quận lỵ Cần Đước, Cần Giuộc hay Tân Trụ bất chợt gầm lên khô khốc trong đêm để rồi sáng hôm sau cả xóm khiêng xác bà Hai Dậu, người xấu số nhà ở cạnh dòng sông Rạch Đào đến dinh quận trưởng đấu tranh đòi chính quyền không được bắn pháo bừa bãi trong dân. Để trả lời, họ được viên quận trưởng phơi nắng gần cả buổi trước dinh. Một viên đạn cạc-bin từ phía một trận càn ghim trúng vào tim người phụ nữ nông dân thật thà chất phác ở đình Long Thanh, xã Long Trạch, huyện Cần Đước. Cả xóm đưa bà đến nơi an nghỉ trong tiếng chậc lưỡi xót xa: "Bà ấy dại dột quá, thời buổi này mà tiếc chi con gà con vịt với tụi lính để phải chết oan ức như vầy"…
Dòng đời không êm ả đó cuốn trôi chúng tôi qua từng năm tháng của một thời thơ ấu.
Tình yêu đầu đời
Tôi phải lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học, rời bỏ vùng quê mà người xưa vẫn gọi là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã ghi vào tuổi thơ tôi bao hình ảnh của chiến tranh. Tôi chia tay Mỹ đúng vào ngày có gió bấc se se lạnh và hẹn em khi lúa Nàng Thơm chín vàng trên ruộng.
Tôi đã là sinh viên đại học khi Mỹ chưa là cô du kích xã. Từng mùa xuân vẫn đều đặn đi qua trong niềm vui, nỗi nhớ của tôi và Mỹ trong những lần gặp nhau vội vã.
- Nè, tao biết mày đi vô gặp mấy con nữ du kích ở ấp Cầu Chùa chứ thăm ruộng, thăm nhà cái gì.
Có lần viên trung úy cảnh sát H. (chợ Rạch Đào) nửa chơi nửa thiệt, nói như vậy khi tôi trình cái thẻ sinh viên đại học ở Sài Gòn.
Tôi chối bai bải:
- Đâu có… đâu anh…
- Tao đi guốc trong bụng tụi bây từ khuya rồi. Nhưng mà thôi, nhớ đừng có mê gái mà đi theo Việt Cộng à nghe.
Tôi chực bước đi, anh ta gằn giọng:
- Mà nè, liệu chừng mà về sớm nghe. Rủi tụi Sư 25 nó càn bất tử thì tao cứu không nổi đâu nghe.
Mùa xuân năm đó, tôi cùng em sánh bước trên bờ ruộng. Hương lúa Nàng Thơm vẫn còn quyện với màn sương chưa tan trong nắng sớm cùng gió bấc hiu hiu buổi sáng cho tôi một cảm giác đằm thắm, miên man là lạ. Em nói rằng em ước ao sẽ mãi cùng tôi bên nhau trên bờ ruộng lúa vàng rượm trĩu bông, không còn tiếng gầm thét đạn pháo trong đêm, không còn những trận càn, không còn ai bắt em đi làm bia đỡ đạn nữa.
- Tụi nó bắt em phải đi đầu mỗi trận càn đó anh!
Nghe Mỹ kể mà tôi đau thấu ruột thấu gan nhưng biết làm sao hơn khi tất cả đều vượt khỏi tầm tay một sinh viên đại học và cô gái quê hiền lành.
Mùa xuân sau tôi không còn gặp lại em như ước hẹn bao xuân trước. Em đã thoát ly theo cách mạng.
- Nó đi lúc nửa đêm, có miếng giấy này để lại cho cháu đó!
Ba Mỹ nói tiếp khi tôi vẫn còn thẫn thờ.
- Mấy bữa trước nó đào khoai trên bờ ruộng, mượn cô Út Lan mua vải may vài bộ áo quần mới. Bác đâu biết nó chuẩn bị thoát ly.
Tác giả năm 1969, lúc còn là sinh viên trường đại học ở Sài Gòn
Những con đường lầy lội trước đây được thay bằng bê-tông sạch đẹp từ năm 2019
Hẹn một mùa xuân
Mỹ đã là cô du kích xã, khăn rằn quấn cổ, mũ tai bèo, với bộ quần áo màu xanh rêu, tất cả những thứ ấy cho tôi một cảm giác là lạ khi chúng tôi sánh vai nhau trong làn gió bấc se se lạnh của những ngày trời đất mới vào xuân.
- Bộ anh không thích em mặc đồ này hả?
Mỹ nói qua tiếng cười khúc khích.
- Ừ… mà… không phải.
- Vậy sao nhìn em hoài vậy?
- Thì… nhìn em… đẹp, vậy thôi!
Mỹ tròn xoe đôi mắt nhìn tôi:
- Em mà… đẹp… Làm sao sánh được với mấy cô sinh viên Sài Gòn…
Tôi nhìn Mỹ rực hồng tuổi tròn trăng trong nắng sớm vào xuân.
Khó khăn lắm tôi mới có được những giây phút này. Mỗi khi đi bên em lòng tôi vừa bâng khuâng vừa nghe thanh thản lạ.
Tôi về Sài Gòn mà lòng cứ muốn ở lại. Tôi cũng không hiểu mình ra sao nữa. Cả một thời thơ ấu cùng học cùng vui sống bên nhau, xa nhau thấy nhớ, nhớ rồi lại muốn gặp nhau. Mà đâu có dễ dàng gì để gặp nhau. Tôi phải bồi hồi nhìn từng cánh mai vàng rơi rụng trong làn gió chướng cuối xuân, phải nghe nôn nao trong dạ với tiếng sấm đầu mùa ở trên cao, xa xa đâu đó buồn não nuột, phải mong sao bầu trời trong xanh qua mau và bồi hồi nhung nhớ với ngọn gió cuối đông… để tôi và Mỹ có một mùa xuân.
Nhưng ước vọng mùa xuân năm sau của em và tôi không bao giờ có được nữa.
Xuân quê hương
Tôi cũng chẳng bao giờ nhìn thấy em với chiếc áo bà ba như mơ ước đầu xuân trước. Em đã rời xa tôi vĩnh viễn khi chỉ còn non tháng nữa là đến hẹn đầu xuân năm 1972. Em đã nằm xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước ngoặt cuộc tiến công tháng 4 năm 1975 đã làm nên lịch sử, đất nước hòa bình nhưng những trái tim bao người vẫn chưa nguôi những nỗi đau, sau bao năm hằn sâu trong tim.
Giờ thì góc trời nhỏ ấp Cầu Chùa đã vắng Mỹ, chỉ còn lại mình tôi với bao người thân thương, đang tận hưởng những mùa xuân hạnh phúc, đã đi qua và sẽ đến mỗi khi ngọn gió chướng bắt đầu lay động đôi bờ lá con sông nhỏ Rạch Đào, báo hiệu một mùa xuân mới trên quê hương tôi.
Ngày ấy Mỹ của tôi nằm xuống cho tôi giờ đây đứng trên bục giảng, cho đàn em thơ nghe tôi kể lại chuyện ngày xưa, chuyện của quê hương.
Mỹ của tôi đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, cho tôi được ngồi đây và vẫn mong đợi từng ngày, vẫn chờ từng chuyến tàu thời gian mang trả lại một mùa xuân năm nào: Mùa xuân đó có em.
Quê hương đổi mới, đẹp giàu
Quê tôi, góc trời nhỏ của Long An sau 30 năm đổi mới, cảnh đói nghèo đã lùi xa vào quá khứ. Đất Cầu Chùa hôm nay không còn bom cày, đạn xới, máu không còn thay mồ hôi đổ xuống những luống cày. Quê tôi đã cày cấy một năm 2 vụ lúa đặc sản. Lúa Nàng Thơm chợ Đào ngát hương thơm trên cánh đồng mỗi khi trời sắp sửa vào xuân.
Máy gặt đập liên hợp rộn ràng trên đồng ruộng. Năng suất lúa từ 12 - 13 tạ/ha đã tăng 50 - 60 tạ/ha. Những con đường làng rộng hơn 3 m thay thế những con đường lầy lội vào mùa mưa. Những ngày hội lớn, nơi nào cũng tấp nập. Đường quê như đường phố, như nhỏ lại, không còn đủ sức chứa người và xe ngược xuôi đây đó... Xe con đã vào tận nơi xa xôi của ấp.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)