Mấy ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tội danh "Buôn lậu" mà TAND TP HCM xét xử đối với Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) và đồng phạm liên quan đến việc buôn bán lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet.
Cần một điều tra khác
Trước đó, Bộ Y tế cũng cho rằng TAND TP HCM xét xử tội "Buôn lậu" đối với các bị cáo trong vụ VN Pharma là đúng người, đúng tội. Ngày 30-8, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định theo quy định của Luật Dược, lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet của VN Pharma là hàng kém chất lượng chứ không phải hàng giả. Vì vậy, ông tán đồng phán quyết của TAND TP HCM về việc xét xử Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm về tội "Buôn lậu".
Minh họa: KHỀU
Về vấn đề này, một dược sĩ - luật sư (LS) cho rằng Bộ Y tế đã xác nhận VN Pharma có làm hồ sơ, thủ tục xin nhập khẩu thuốc, trong đó một số giấy tờ bị làm giả, cho thấy công ty này đã có hành vi giả mạo chứ không phải nhập lậu. Cũng theo dược sĩ - LS này, chỉ với việc VN Pharma xin nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capital của Canada nhưng thuốc nhập về nguồn gốc không đúng như khai báo đã có thể gọi là thuốc giả. Với vai trò quản lý của mình, Bộ Y tế phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng, đúng luật chứ không thể lập lờ được.
Còn theo bác sĩ Thanh Huyền, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), H-Capita là một thuốc generic được cho là sản xuất từ Ấn Độ. Dù vậy, phải xem lại toàn bộ hồ sơ để có câu trả lời khách quan đây có phải là thuốc thật hay không. Nếu các nghiên cứu do nhà sản xuất thuốc cung cấp trong hồ sơ có đầy đủ tính trung thực (nghiệp vụ của các nhà khoa học) thì đồng nghĩa đây là thuốc thật và là thuốc generic. Điều này căn cứ vào hàm lượng 97% hoạt chất capecitabine. Nhưng H-Capita có thể được coi là thuốc ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và tại Việt Nam song không được coi là "thuốc" tại Mỹ do không đạt hàm lượng từ 98% trở lên và 99% đối với một số thuốc đặc biệt theo quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ). Từ đây có thể thấy lỗ hổng của việc đăng ký thuốc tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã bị các đối tượng lợi dụng khi cung cấp một bản hồ sơ quá "đẹp": thuốc được sản xuất tại Canada (thay vì Ấn Độ) và hàm lượng lên đến 99% (thay vì 97%).
Bác sĩ Huyền đề nghị cần phải có một cuộc điều tra khác để trả lời câu hỏi "thuốc H-Capita là thật hay giả".
Phải dựa vào quy định pháp luật
Trong khi đó, nghiên cứu vụ việc gây chấn động dư luận này, nhiều LS cho rằng vấn đề mấu chốt đặt ra là muốn xác định lô hàng H-Capita 500 mg Caplet là thuốc kém chất lượng hay thuốc giả phải dựa vào quy định pháp luật.
LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, dẫn kết quả giám định số 31/KLGĐ-BYT ngày 22-4-2015 của Hội đồng Giám định Bộ Y tế, trong đó kết luận: "Lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng chữa bệnh cho người… Hướng dẫn sử dụng (HDSD), nhãn hộp thuốc, nhãn vỉ thuốc H-Capita 500 mg Caplet có nội dung không đúng với HDSD, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc thiết kế trong hồ sơ đơn hàng nhập khẩu thành phẩm chưa có số đăng ký đã được Cục Quản lý dược phê duyệt. Tờ HDSD thực tế và tờ HDSD được duyệt ghi khác nhau về thành phần tá dược. HDSD được duyệt ghi số điện thoại và số fax của nhà sản xuất, còn HDSD thực tế không ghi thông tin này".
Đối chiếu kết quả giám định của Bộ Y tế với quy định của Luật Dược, LS Đức khẳng định lô hàng H-Capita 500 mg Caplet không phải là hàng kém chất lượng mà phải gọi đúng tên là hàng giả để từ đó phải xử đúng tội.
"Đối với hàng giả là thuốc chữa bệnh thì không thể xử lý tội "Buôn lậu" theo điều 153 Bộ Luật Hình sự (BLHS) mà có một tội danh dành riêng cho hành vi này "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" với mức hình phạt cao nhất là tử hình theo điều 157 BLHS" - LS Đức chỉ rõ.
Luật sư LÊ NGUYỄN QUỲNH THI (Đoàn Luật sư TP HCM):
Có dấu hiệu của cả 2 tội
Về mặt xác định tội danh, trong vụ án này, các bị cáo đã vi phạm khi nhập 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư là hành vi xâm phạm các khách thể khác nhau và có dấu hiệu của cả 2 tội: buôn lậu (điều 153 BLHS 1999), xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương của nhà nước; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (điều 157 BLHS 1999), xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với thuốc chữa bệnh.
Về mặt lý luận, hành vi phạm tội xâm phạm nhiều khách thể trực tiếp thì chúng ta phải lựa chọn khách thể trực tiếp để định tội là khách thể nào thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp này là định tội danh theo khách thể của tội phạm.
Hai vấn đề mấu chốt cần xác định lại là tang vật của vụ án là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng và hành vi của các bị cáo phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh hay tội buôn lậu. Nếu đủ căn cứ xác định các bị cáo trong vụ án này biết đó là thuốc đã bị thay đổi mẫu mã, thay đổi chất lượng thì cần phải xử lý tội làm hàng giả là thuốc chữa bệnh chứ không phải là tội buôn lậu.
P.DŨNG ghi
Bình luận (0)