xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gửi gắm "nóng" từ cử tri TP HCM

NHÓM PHÓNG VIÊN

Hàng ngàn ý kiến về những vấn đề dân sinh nóng bỏng được cử tri TP HCM gửi gắm đến các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND TP HCM với mong muốn sớm tháo gỡ nếu trúng cử

Tính đến hiện tại, TP HCM tổ chức hơn 200 hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ giữa những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 với cử tri để vận động bầu cử. Theo đó, đã có hơn 28.000 lượt cử tri tham dự và gần 3.000 lượt phát biểu ý kiến, trong đó có rất nhiều ý kiến liên quan đến quy hoạch treo, tình trạng ngập nước, chỉnh trang đô thị được cử tri gửi gắm.

Gửi gắm nóng từ cử tri TP HCM - Ảnh 1.

Quy hoạch tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ treo hàng chục năm khiến một góc phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM nhếch nhác. Ảnh: THU HỒNG

Cần sòng phẳng với quy hoạch treo

Tại hội nghị tiếp xúc giữa cử tri xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP HCM) với người ứng cử ĐB HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, đơn vị bầu cử số 25, cử tri Trần Công Định nói người dân huyện Bình Chánh nhiều năm nay bức xúc chuyện quy hoạch treo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như kìm hãm sự phát triển của huyện Bình Chánh. "Quy hoạch dự án khu Nam thành phố đã treo hơn 20 năm qua. 

Tại xã Bình Hưng, người dân có đất thì không thể làm nhà để ở, có nhà đang ở mà hư hỏng cũng không thể sửa chữa nên người dân đang sống trong tình trạng rất khó khăn, chất lượng cuộc sống ngày càng giảm. Chúng tôi đề nghị phải có chính sách rõ ràng, rành mạch với dự án treo này" - ông Trần Công Định nói và mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử phải có tiếng nói mạnh mẽ.

Tương tự, cử tri huyện Hóc Môn (TP HCM) cũng khá bức xúc khi nói về KCN, khu dân cư 384,2 ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, bị "treo" suốt 20 năm. "Hết nhà đầu tư này đi thì nhà đầu tư khác đến nhưng cũng không thực hiện gì trong khi người dân bị "treo" quyền lợi, đất đai bỏ hoang cỏ mọc um tùm" - ông Hồ Văn Hóa (ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) nói. Cũng như ông Trần Công Định, ông Hồ Văn Hóa mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử hãy hiến kế hoặc kiến nghị giải pháp để tạo ra sự sòng phẳng giữa dự án treo và quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Bên lề hội nghị tiếp xúc cử tri, vừa gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chức kể gia đình ông có 2.200 m2 đất ở Thanh Ða nhưng hiện tại chỉ có thể cho thuê canh tác nông nghiệp với giá 4 triệu đồng/tháng. "Nếu không vướng quy hoạch treo hàng chục năm trời thì với mảnh đất này, gia đình tôi đã đổi đời từ lâu" - ông Chức nói. Ông mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử hãy nói giúp tiếng nói của người dân là: "Cần rõ ràng với quyền lợi của người dân trong vùng dự án treo".

Nằm bao bọc giữa 2 con đường Nguyễn Thị Búp, Dương Thị Hai (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM) là nơi hàng chục hộ dân bức xúc vì bị ảnh hưởng bởi tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Nói về dự án này, ông Lê Hùng Dũng (ngụ khu phố 4, phường Tân Chánh Hiệp) kể ông về đây xây nhà cấp 4 từ năm 2001, đến năm 2004 nhà nước thông báo có dự án nhà ga và đường ray xe lửa ở khu vực này. Thế nhưng 17 năm qua, dự án vẫn nằm trên giấy trong khi đất trống trong khu vực còn nhiều, người dân không dám xây cất đàng hoàng, còn lại hầu hết là nhà cấp 4 tuềnh toàng, xuống cấp. 

Chỉ tay ra dãy nhà đối diện bên kia đường, ông Trần Văn Sáu (cạnh nhà ông Dũng - PV) so sánh chỉ cách vài bước chân mà bên kia đường nhà cửa khang trang, ra dáng khu đô thị mới còn bên này nhà cửa thấp bé như nông thôn, chất lượng sống người dân cũng giảm. "Chúng tôi kiến nghị nếu dự án treo quá lâu, không khả thi thì đề xuất chính quyền, các ứng cử viên kiến nghị các cấp cao hơn xóa bỏ, trả lại các quyền lợi chính đáng cho người dân" - ông Dũng và ông Sáu cùng đề xuất.

Cũng trên địa bàn quận 12, người dân 10 năm qua luôn mong ngóng khu tái định cư 38 ha thuộc phường Tân Thới Nhất sớm hoàn thiện. Do đền bù da beo, dự án chưa thể triển khai nên đất bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, nhiều nơi trở thành điểm tập kết rác của những người vô ý thức. "Chúng tôi tha thiết mong các ứng cử viên nếu trúng cử có tiếng nói để đẩy nhanh dự án nhằm xây dựng khu tái định cư khang trang, sạch sẽ, nâng cao chất lượng sống của người dân" - bà Nguyễn Thị Thu (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12) chia sẻ.

Còn rất nhiều ý kiến về quy hoạch treo được cử tri khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức gửi gắm đến các ứng cử viên ĐBQH và HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 mà trong khuôn khổ bài viết không thể nêu hết được.

Gửi gắm nóng từ cử tri TP HCM - Ảnh 2.

Bị quy hoạch treo, suốt hơn 20 năm, người dân ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn chưa thấy ngày an cư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đẩy nhanh chống ngập, ô nhiễm

Ngoài bức xúc về quy hoạch treo, cử tri quận 12 còn tha thiết đề nghị các ứng cử viên nếu trúng cử hãy quan tâm đặc biệt đến việc cải tạo con kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Ông Trần Văn Sáu, nhà trên đường Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) - con đường được mệnh danh là rốn ngập ở cửa ngõ phía Tây Bắc, nói ông ngán ngẩm với cảnh tát và ngăn nước mỗi khi mưa lớn, dù là nửa đêm hay gần sáng, hễ mưa là cả nhà bật dậy lấy bao cát ngăn dòng nước đen tràn vào nhà, mùi hôi thối nồng nặc.

Theo ông Sáu, hơn ai hết, bà con nơi đây mong từng ngày con kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên được sớm cải tạo để thoát nước nhanh hơn. "Vì vậy, thông tin dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sẽ triển khai từ năm 2021 là thông tin quý hơn vàng đến với gia đình tôi và bà con nơi đây, chỉ nghe thôi là đã thấy sướng" - ông Sáu chia sẻ.

Vui là vậy nhưng ông Sáu vẫn mong các ứng cử viên sau khi trúng cử luôn theo sát dự án này, bởi thực tế cả chục năm qua, dự án có không ít lần hứa hoàn thành rồi vẫn vậy và lại tiếp tục ô nhiễm.

Ngoài ra, cử tri phường Đông Hưng Thuận cũng cho hay trên địa bàn phường còn nhiều cơ sở sản xuất tồn tại lâu đời trong khu dân cư, không chỉ gây khói bụi, tiếng ồn mà nguy cơ cháy nổ khiến người dân bất an. "Mong các ứng cử viên quan tâm hơn nữa đến việc vận động di dời các cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn, môi trường sống cho người dân" - bà Nguyễn Thị Huệ gửi gắm.

Tương tự, cử tri quận Bình Thạnh cũng gửi gắm đến các ứng cử viên nếu trúng cử hãy thúc tiến độ dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và rạch Văn Thánh. "Hai con rạch này đang từng ngày, từng giờ đầu độc cuộc sống của hàng vạn người dân, bởi tình trạng ô nhiễm đã ở mức "không còn lời lẽ để bàn, để tả". Hãy quan tâm đặc biệt đến chuyện này giúp chúng tôi" - bà Lê Thị Lan thông qua phóng viên gửi gắm đến các ứng cử viên ĐBQH và HĐND TP HCM. Gửi gắm của bà Lan cũng là gửi gắm của hàng ngàn hộ dân ở hai bên bờ kênh Đôi (quận 8), kênh Tẻ (quận 4 và 7, TP HCM).

"Những ngày nay, đi dọc tuyến đường Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức, TP HCM) khi mưa ai cũng than trời" - anh Trần Thanh Liệt, nhà trên đường Kha Vạn Cân, nói. Theo anh Liệt, cứ hễ mưa xuống là con đường trước nhà anh chìm trong biển nước, cuộc sống, sinh hoạt đảo lộn. "Nói chung là khổ trăm bề nhiều năm nay rồi. Hy vọng rằng hình ảnh ngập ở nơi đây sẽ được các ứng cử viên quan tâm đúng mức để khi trúng cử có tiếng nói giúp bà con thông qua các dự án chống ngập cấp bách" - anh Liệt mong mỏi.

Tình cảnh này cũng tái hiện ở phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) qua hình ảnh ngập hơn nửa bánh xe mỗi khi mưa lớn trên đường Quốc Hương, dù cử tri, báo chí đã nhiều lần phản ánh và đề nghị có hướng khắc phục. 

Có ĐBQH tâm sự với tôi là hết nhiệm kỳ mà thấy vẫn còn nợ dân. Thế nên, tôi mong các ứng cử viên lần này nếu được trúng cử đừng để hết nhiệm kỳ còn mắc nợ dân".

Ông PHẠM VĂN TRÂN - cử tri quận Bình Tân, TP HCM

Chất liệu quan trọng

Là ứng cử viên ĐBQH, đơn vị bầu cử số 10 tại huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn (TP HCM), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong các buổi tiếp xúc với cử tri đều khẳng định ý kiến của cử tri chính là chất liệu quan trọng để các ĐBQH đưa ý kiến xây dựng chính sách, để những chính sách được xuất phát từ hơi thở cuộc sống, sâu sát với đời sống nhân dân.

Chủ tịch nước cho rằng phát triển không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế mà phải quan tâm đến phúc lợi cho người dân; để dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. "Tâm tư, nguyện vọng của người dân là vấn đề then chốt trong phát triển" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo