xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia lần 4: Gương sáng nơi địa đầu Tổ quốc

NGUYỄN VĂN CÔNG

Từ một vùng biên giới nghèo của tỉnh Hà Giang, ngày nay, Lô Lô Chải được ví như "thiên đường du lịch". Nơi đây, đồng bào người dân tộc thiểu số cùng nhau giữ đất, giữ làng, bảo vệ từng cột mốc biên giới

Sau hơn 10 năm phát triển mô hình du lịch homestay, bộ mặt nông thôn ở thôn bản biên giới Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) thay đổi hẳn. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, an ninh quốc phòng được bảo đảm. Người tiên phong làm du lịch giúp vùng quê nghèo vùng biên thay da đổi thịt là trưởng thôn Sình Dỉ Gai.

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia lần 4: Gương sáng nơi địa đầu Tổ quốc - Ảnh 1.

Nhờ phát triển mô hình du lịch homestay, bộ mặt nông thôn Lô Lô Chải đổi thay từng ngày

Cùng bộ đội bảo vệ bản làng

Lô Lô Chải nằm nép mình dưới chân núi Rồng, cách cột cờ quốc gia Lũng Cú khoảng 1 km. Thôn có 90% là người dân tộc Lô Lô, còn lại là người dân tộc Mông. Trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô nhưng diện tích không nhiều vì địa hình chủ yếu là núi đá. Cuộc sống người dân vô vàn khó khăn, thường thiếu ăn vào mùa giáp hạt.

Nhưng đó là trước đây. Theo chân trưởng thôn Sình Dỉ Gai rảo bước trên con đường trong bản, chẳng thể tin được ở nơi địa đầu Tổ quốc, bây giờ Lô Lô Chải được ví như "thiên đường du lịch" của Hà Giang, mỗi tháng đón gần 1.000 khách, trong đó có khoảng một nửa là khách nước ngoài.

Chỉ tay về những căn hộ làm homestay, trưởng thôn Sình Dỉ Gai nói: "Hồi ấy nghèo lắm, chẳng nhà nào có xe máy, tivi, tủ lạnh. Nay thì không phải lo nữa vì bà con cùng làm du lịch".

Trưởng thôn Sình Dỉ Gai năm nay 47 tuổi. Ông kể, ngày ấy hai vợ chồng ông ngày ngày lên nương. Ông đào đất trong từng hốc đá, vợ đi sau tra hạt ngô. Làm quần quật cả ngày nhưng không lo nổi cái ăn, cái mặc.

Kết hôn được 3 năm, ông Sình Dỉ Gai xin vào làm dân quân xã rồi được tín nhiệm lên làm đội trưởng. Từ đó, đều đặn 2-3 lần mỗi tuần, ông cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an xã đi tuần tra biên giới. Diện tích đất nông nghiệp của Lô Lô Chải ít nên nhiều lần đi tuần tra thấy người dân trồng ngô vượt sang đất của nước bạn, ông cùng lực lượng tuần tra chụp ảnh lại rồi về tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ, không xâm phạm đất bạn. Ngược lại, ông cũng không để người dân nước bạn gieo trồng sang đất của nước mình.

Mỗi lần đi tuần tra biên giới, vợ ông đều chuẩn bị cơm nắm, nước uống đầy đủ. Từ trung tâm xã đi tuần tra các cột mốc biên giới 422 và 428 dài khoảng 3 km, đường rất khó đi, trên là vách núi đá tai mèo sắc lẹm, dưới là vực sâu hun hút. "Có lần đi tuần tra về trời đã tối sầm, mọi người phải nắm tay nhau dò đường, về đến trụ sở UBND xã Lũng Cú thì đã vào khuya. Vất vả lắm nhưng anh em chúng tôi không ngại, quyết tâm cùng bộ đội bảo vệ bình yên cho bản làng" - ông Gai nói.

Sau 4 năm làm đội trưởng tham gia tuần tra biên giới, gìn giữ chủ quyền quốc gia cùng lực lượng bộ đội biên phòng, công an xã, năm 2008, ông Gai được người dân bầu làm trưởng thôn. Từ đó đến nay, trong vai trò trưởng thôn, vừa xắn tay cùng bà con làm du lịch, ông vẫn cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra biên giới, xem đó là trách nhiệm của một công dân.

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia lần 4: Gương sáng nơi địa đầu Tổ quốc - Ảnh 2.

Các cô gái người Lô Lô biểu diễn múa hát phục vụ khách du lịch

Xuất sắc

Năm 2011, một cán bộ của Đại sứ quán Luxembourg lên Lô Lô Chải du lịch và khen ngợi cảnh đẹp, bản sắc văn hóa người Lô Lô. Sau khi vị này làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, 3 gia đình được trợ vốn làm dịch vụ homestay, trong đó có gia đình ông Sình Dỉ Gai. Từ đó, ông Gai bỏ dần trồng ngô, lúa, tập trung vào làm du lịch và giúp đỡ bà con trong bản cùng phát triển kinh tế du lịch. Đến nay, Lô Lô Chải có 32 gia đình làm dịch vụ homestay.

Quan trọng không kém là phát triển du lịch đã giúp đồng bào Lô Lô Chải thêm yêu nơi chôn nhau cắt rốn, không ai có ý định di cư đi nơi khác để tìm sinh kế mới. Ngoài ra, Lô Lô Chải đã giữ vững được tình hình an ninh trật tự cho dù tiếp đón hàng ngàn lượt du khách mỗi tháng, tình trạng trộm cắp, mất an ninh trật tự gần như không có.

Đặc thù ở Lô Lô Chải 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số, trưởng thôn Sình Dỉ Gai đã tích cực tuyên truyền nhân dân không tham gia học đạo, truyền đạo trái pháp luật, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu. Để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tăng sức hút cho du lịch, trưởng thôn Gai đã vận động bà con thành lập đội văn nghệ, tổ chức các lễ hội truyền thống, quảng bá hình ảnh và động viên người dân tham gia các tổ chức đoàn thể như hội người cao tuổi, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… Đến nay, có 95/114 hộ được công nhận gia đình văn hóa. Năm 2022, Lô Lô Chải đạt danh hiệu thôn văn hóa. Du lịch cộng đồng Lô Lô Chải được UBND tỉnh Hà Giang công nhận OCOP 3 sao năm 2021.

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia lần 4: Gương sáng nơi địa đầu Tổ quốc - Ảnh 3.

Trưởng thôn Sình Dỉ Gai biểu diễn đàn truyền thống trước sự thích thú của du khách nước ngoài. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trưởng thôn Sình Dỉ Gai còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã, lực lượng công an xã tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về ý thức giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong năm qua, Lô Lô Chải không xảy ra tệ nạn xã hội, không có trọng án, không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ rệt, các chi hội nông dân đoàn kết, tương trợ phát triển kinh tế du lịch.

Ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, đánh giá: "Ông Sình Dỉ Gai là một hội viên rất tích cực làm du lịch với mô hình homestay. Ông vận động người dân tận dụng nhà cửa có sẵn và đầu tư thêm trong đó có cả vốn vay của hội nông dân để xây dựng các phòng phục vụ du khách đến tham quan. Ông đến từng hộ vận động, kết nối với các hội nông dân để tạo sự đồng bộ làm du lịch, phát huy bản sắc văn hóa người Lô Lô".

Còn ông Chu Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, nhận xét khi huyện Đồng Văn và xã Lũng Cú có chủ trương về phát triển du lịch, trưởng thôn Sình Dỉ Gai đã tiên phong làm du lịch và giúp đỡ một số hộ trong thôn làm theo. Bộ mặt kinh tế của Lô Lô Chải đã thay đổi rất nhiều, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững. "Anh Gai là gương sáng về lao động sản xuất, đoàn kết nhân dân, góp phần tích cực bảo vệ bình yên ở vùng biên này" - Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, nói.

Với những đóng góp cho vùng biên giới, năm 2022, ông Sình Dỉ Gai được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc (nhóm lĩnh vực: bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới). 

Ông Sình Dỉ Gai chia sẻ: “Mình là trưởng thôn thì phải có trách nhiệm vận động cùng nhau làm ăn, xây dựng bản làng. Ở đây, dân bản rất quý công an, bộ đội. Thanh niên trai tráng cùng dân quân, công an xã, Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ từng cây rừng, đường biên, cột mốc biên giới”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo