Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết hiện nay, hiệu quả của dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 bằng vốn vay của Nhật Bản đã được thấy rõ khi khu vực nội đô nước rút nhanh hơn sau mỗi trận mưa lớn. Tuy vậy, 2 dự án trên lại không bao gồm thoát nước cho các quận mới như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông… nên nhiều khu vực của các quận này vẫn là những điểm đen trong "bản đồ ngập" của TP.
Bê-tông hóa quá nhanh
Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã khiến lượng ao hồ bị lấp đi đáng kể. Nội thành Hà Nội hầu hết đều là bê-tông hóa nên việc tiêu thoát nước rất khó khăn. Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có 2.100 ha mặt nước hồ nhưng đến nay, diện tích mặt nước hồ chỉ còn 1.165 ha. Thay vào số ao, hồ bị lấp là hàng loạt chung cư cao tầng với hàng ngàn căn hộ đã được xây dựng.
TS Phạm Tuấn Hùng - giảng viên bộ môn cấp thoát nước, Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Xây dựng - cho rằng tốc độ đô thị hóa hiện nay diễn ra quá nhanh trong khi các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thoát nước, vốn đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, đã không đáp ứng nổi. Đô thị hóa cũng dẫn đến việc cứng hóa các mặt phủ, dẫn đến lượng nước thay vì ngấm vào đất thì tập trung lại và dồn hết vào vùng trũng, rất dễ tràn các ống thoát nước và gây ngập úng cục bộ.
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp chống ngập. Cụ thể như dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ đã hoàn thành nhưng cũng chỉ đáp ứng, giải quyết được khoảng 20% nhu cầu thoát nước của Hà Nội. Ở những khu vực mới phát triển như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông…, các khu đô thị mới mọc lên ngay bên cạnh các làng xóm, khu dân cư cũ. Nhưng khi thực hiện dự án, các chủ đầu tư thường không quan tâm đến cốt nền quy hoạch, các tòa nhà chung cư được xây lên song hạ tầng thoát nước lại không được đầu tư bài bản, thiếu hệ thống thoát nước nội khu nên chủ yếu dựa vào những kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp để thoát nước. Những kênh mương này do lâu ngày không được nạo vét, bồi lắng, cỏ mọc, rác thải làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Mỗi khi có nước lớn đổ về, các kênh, mương này đều quá tải, tiêu thoát nước chậm, dẫn tới ùn ứ, ngập một số khu đô thị.
Hà Nội hiện còn 16 điểm thường ngập úng nặng mỗi khi có mưa lớn - Ảnh: Ngô Nhung
Ngoài những nguyên nhân trên, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho rằng ý thức của người dân là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ngập úng trong TP. "Trong nội đô, không phải toàn bộ nhưng một bộ phận người dân rất thiếu ý thức trong việc xả thải. Nhiều hộ gia đình xả thẳng những chất thải rắn như bao bì, bê-tông hay như những chất dầu, mỡ khiến hệ thống thoát nước bị nghẽn, tắc. Khi có mưa lớn thì các hệ thống thoát nước hoạt động không hiệu quả. Thoát nước đầu tiên là từ hệ thống thoát nước hộ gia đình mà ngay từ ban đầu, người dân đã làm tắc nghẽn cả hệ thống" - ông Hùng nói.
Trông chờ ý thức người dân
Theo Võ Tiến Hùng, Chính phủ đang nghiên cứu, xem xét thực hiện dự án thoát nước giai đoạn 3, giai đoạn 4; đồng thời Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng nhiều trạm bơm quanh các quận, huyện của TP như trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông), trạm bơm Liên Mạc (Bắc Từ Liêm)… với nguồn vốn hàng ngàn tỉ đồng.
Khi đưa vào hoạt động, các trạm bơm này sẽ góp phần thoát nước cho TP rất hiệu quả. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng để chờ đầu tư xây dựng rất lâu. Đầu tư là phải có vốn, có nhân vật lực…. nên với thực trạng hiện nay, giải pháp căn cơ trước mắt là người dân phải tự ý thức được việc xả thải, mỗi hộ gia đình cần nâng cao nhận thức về vấn đề này để phân loại rác thải, không tùy tiện xả thải bừa bãi. Bên cạnh đó, phải hạn chế bê-tông hóa để dành diện tích vườn, đất giúp cho quá trình thoát nước hiệu quả hơn.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, bên cạnh năng lực thoát nước chưa đáp ứng được tình hình thực tế, hệ thống thoát nước của Hà Nội còn đang gánh chịu một lượng rác thải lớn lẫn trong nước thải dẫn đến ách tắc hệ thống.
"Cần phải tách ra, nước mưa và nước thải phải xử lý riêng, không đi chung được" - ông Chính nói.
Hà Nội với diện tích rộng lớn, có rất nhiều lưu vực để xử lý, từng khu vực phải có nhà máy xử lý nước thải. Muốn thế phải có nguồn kinh phí lớn, tất cả hệ thống thoát nước liên thông với nhau. Việc dùng máy bơm để tiêu thoát nước cục bộ là giải pháp mang tính tình thế và rất tốn kém. Mấu chốt để TP thoát khỏi ám ảnh ngập úng phải là thực hiện tốt quy hoạch vùng, trong đó có quy hoạch về thoát nước, xử lý nước thải tại nguồn.
Cảnh báo ngập lụt qua điện thoại
Ông Võ Tiến Hùng cho biết Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thoát nước như lắp đặt bổ sung các điểm đo mực nước, khai thác và nâng cấp phần mềm HSDC Maps.
Từ đầu tháng 4-2018, Công ty Thoát nước Hà Nội đã triển khai thử nghiệm phần mềm HSDC Maps trên điện thoại thông minh. Ðây là ứng dụng có chức năng cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, hình ảnh các điểm ngập. Ngoài ra, ứng dụng này cũng cho phép người dân tương tác qua chức năng gửi thông tin về sự cố đến trung tâm. Hiện tại, ứng dụng được cung cấp miễn phí cho người dùng sử dụng điện thoại thông minh. Đến nay, số người tải phần mềm HSDC Maps về sử dụng đã đạt 4.704 lượt. Qua hệ thống phần mềm này, đã có hơn 200 thông tin cảnh báo úng ngập do người dân cung cấp.
Bình luận (0)