Ngày 16-8, tại họp báo cung cấp thông tin liên quan tình hình ngập lụt ở huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cùng những công tác khắc phục hậu quả trong thời gian tới, ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - thông tin trong trận ngập lụt vừa qua đã có hơn 8.400 nhà dân và tài sản có giá trị bị ngập cùng với hơn 63 km lộ giao thông. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 107 tỉ đồng.
Ông Mai Văn Huỳnh cho biết tình trạng ngập lụt vừa qua ở huyện đảo này nằm ngoài dự báo của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do kịp thời triển khai công tác ứng phó nên không có thiệt hại về người. Một số khu vực bị ngập sâu cục bộ là thị trấn Dương Đông, Bến Tràm (vùng trũng nhất), Cây Thông Trong và Bãi Trường (xã Dương Tơ). Tuy công tác cứu hộ, cứu nạn gặp không ít khó khăn nhưng tuyệt đối không để người dân nào bị đói, lạnh trong lúc bị cô lập.
Người dân ở thị trấn Dương Đông bì bõm trong trận ngập lụt chưa từng có vừa qua. Ảnh: THỐT NỐT
"Tổng lượng mưa đo được trong đợt này cao gấp 7 lần trung bình nhiều năm và cao hơn cả trận lụt lịch sử năm 1978. Hơn nữa, hiện tượng gió mùa Tây Nam ập đến, triều cường dâng cao hơn 1,6 m làm lượng nước từ các sông, suối bị dội ngược lại ở các cửa biển. Ngoài những diễn biến bất thường của thời tiết thì công tác quản lý xây dựng, đô thị cũng bộc lộ yếu kém hoặc không xử lý kịp thời những trường hợp người dân tự ý bao chiếm đất công. Trong khi đó, hệ thống thoát nước hiện hữu đã bị vô hiệu hóa trước sự phát triển của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, du lịch" - ông Huỳnh nêu cụ thể.
Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, cho rằng trước mắt đề nghị Phú Quốc thực hiện nghiêm túc các kế hoạch khơi thông lại dòng chảy và giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm sông, suối. Riêng các nhà đầu tư tại khu vực Bãi Trường phải thực hiện ngay việc đấu nối hệ thống thoát nước nếu không sẽ đình chỉ thi công. Về lâu dài, các sở, ngành sẽ giúp Phú Quốc sớm có bản đồ ngập úng để từ đó có kịch bản thích ứng phù hợp nhất. Các chuyên gia cũng đề xuất Phú Quốc nên xây dựng hệ thống thoát nước dạng kênh hở bằng bê-tông.
Theo đề nghị của ngành chức năng, về lâu dài phải đẩy nhanh triển khai lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị tại thị trấn Dương Đông và An Thới; phê duyệt chương trình phát triển đô thị, làm cơ sở để đề xuất giải pháp tổng thể, đồng bộ cho hạ tầng đô thị của Phú Quốc.
Cần giải pháp phi công trình
Theo TS Trần Hữu Hiệp, để tránh "đảo ngọc" thành đảo ngập, không thể phủ nhận giải pháp công trình: đồng bộ hệ thống cấp và thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, xây hồ chứa Cửa Cạn và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Nhưng quan trọng hơn vẫn là các giải pháp phi công trình. Cần khu biệt hóa không gian trên đảo. Ngoài vùng lõi phải triệt để chống ngập bằng các giải pháp công trình thì cần giữ cho được vùng đệm và các "túi chứa nước tự nhiên". Đó chính là diện tích đất rừng, sông, suối để tạo không gian giữ nước và thoát nước cũng như mặt tiền bãi biển công cộng, không để các dự án đầu tư "bê-tông hóa" thành đê chắn đường thoát nước ra biển.
Chính quyền cần tổng rà soát và kiên quyết xử lý các sai phạm đất đai, xây dựng, bảo đảm không tái diễn tình trạng chiếm đất mặt tiền bãi biển công cộng của người dân thành của riêng. Cần kiên quyết xử lý, thu hồi, xóa bỏ các dự án đầu tư bát nháo, ngăn chặn tình trạng các "túi chứa nước tự nhiên" bị phá vỡ. Xây dựng bản đồ ngập để cảnh báo và làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng.
C.Tuấn
Bình luận (0)