Sáng 24-7, Thành uỷ Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Hà Nội bảo đảm sẵn sàng trong mọi tình huống phòng chống dịch Covid-19
Bảo đảm sẵn sàng y tế chống dịch
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện các bệnh viện của TP đang điều trị 379 bệnh nhân tại 4 bệnh viện, trong đó, có 8 bệnh nhân nặng (1 bệnh nhân lọc máu).
Trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm 50 đến 60 trường hợp, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng. Hơn nữa, đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virus Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, từ 2 đến 3 ngày.
Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay, đang là phương án, kịch bản 1.000 giường đã được thực hiện; sắp tới, Sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.0000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị. Tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Hiện, TP sẵn sàng có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.
Tầng thứ 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền, Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.
Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó, có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.
Ngoài ra, ở địa bàn Hà Nội, với phương châm "4 tại chỗ", ngoài các bệnh viện của TP còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an. "Với những kịch bản như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, trong thời gian tới, hoàn toàn đáp ứng được với từng tình huống cụ thể" - đại diện Sở Y tế Hà Nội khẳng định.
Bên cạnh đó, hiện tại, năng lực của riêng ngành y tế Thủ đô có 412 giường hồi sức, 222 bác sĩ và trên 400 điều dưỡng có khả năng sử dụng máy thở.
Năng lực xét nghiệm của TP hiện tại là 48 ngàn mẫu/ngày với 20 máy PCR và sắp tới bổ sung thêm 5 máy nữa. TP cũng có 111 xe cứu thương có thể huy động để phân luồng bệnh nhân tốt nhất. Kinh nghiệm thực tiễn tại TP HCM cho thấy việc phân luồng rất quan trọng, phân luồng tốt, từng vòng điều trị riêng để có khả năng kiểm soát, điều trị tốt hơn.
Tính đến ngày 23-7, Hà Nội đã tiêm được 211.460 mũi, trong đó, có 201.965 người tiêm 1 mũi và 9.443 người tiêm đủ 2 mũi, đặc biệt cho các lực lượng tuyến đầu.
Theo Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đã được Thành phố phê duyệt và Sở Y tế triển khai, mục tiêu cao nhất là tiêm từ 100.000 đến 200.000 mũi/ngày. TP đã khởi động 1.000 đến 1.200 dây chuyền tiêm tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường để tiêm chủng cho các trường hợp không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử dị ứng, phản vệ, những trường hợp trong tuổi trưởng thành. Đối với những trường hợp có tiền sử phản vệ, có bệnh lý nền, người cao tuổi thì sẽ tiêm ở các bệnh viện, nơi có đủ trang thiết bị phòng hộ để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp có sốc phản vệ sau tiêm.
Hiện tại, Sở Y tế có 3 loại vắc-xin. Với nguồn vắc-xin về trong đợt tới, Sở sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới đến tháng 3-2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5 đến 6 triệu người.
Tạm thời cấm shipper giao hàng
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho hay đơn vị đang thực hiện tổ chức lại giao thông vận tải trên địa bàn, theo tinh thần Chỉ thị 16 thì xác định có 3 đối tượng ưu tiên đi lại trong thời gian giãn cách. Một là, xe chở hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trên "luồng xanh" quốc gia, có lộ trình đi qua TP Hà Nội. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, các tuyến xe sẽ chạy theo đường vành đai 3 và phân đi các tỉnh, không chạy vào bên trong trung tâm. Thứ 2 là xe chở hàng hóa thiết yếu cho TP Hà Nội của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND TP. Thứ ba là xe chở người và các phương tiện phục vụ, hoạt động công vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hiện nay TP đang tổ chức 22 chốt kiểm dịch, thực hiện Chỉ thị 17 thì Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với Công an TP dự kiến bố trí thêm 30 chốt của TP và 26 chốt quận huyện để đảm bảo kiểm soát hoạt động hàng ngày theo đúng quy định. Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở một số chốt, Sở đang phối hợp để tổ chức chốt thành nhiều lớp.
Theo ông Vũ Văn Viện, Để ưu tiên phòng dịch là trên hết, trước hết đảm bảo an toàn cho nhân dân, tạm thời cấm đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) bởi chưa kiểm soát được lực lượng này. Ngay sau đây Sở Giao thông vận tải sẽ có văn bản chính thức và gửi đến các đơn vị công nghệ kết nối loại hình dịch vụ này để triển khai nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của TP.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho hay hiện nay TP vẫn bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ngay sáng nay, thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hàng hóa và sức mua vẫn bình thường; các chợ dân sinh chấp hành nghiêm quy định của Thành phố chỉ bán mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh; nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. TP đã chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất, đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thành phố trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
Chia sẻ với những khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, ít nhiều cũng có tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân và cơ quan, đơn vị, các nhóm yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hộ nghèo, người khuyết tật… Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết TP đã có kế hoạch và chỉ đạo, có phương án cụ thể tới từng thôn, xã rà soát để tính toán đến phương án hỗ trợ theo chế độ riêng của TP, ngoài chế độ của Trung ương.
Bình luận (0)