Chiều 8-1, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết để phục vụ thi công dự án mở rộng đường Láng dài khoảng 4 km, đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, Hà Nội sẽ phải đánh chuyển, chặt hạ gần 476 cây xanh các loại trên trục đường này.
Theo ông Tuấn, công tác di chuyển cây xanh trong phạm vi chiếm dụng của công trình đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định, thống nhất báo cáo UBND TP phương án thực hiện, với tổng số 476 cây xanh các loại, trong đó dịch chuyển 371 cây, chặt hạ 105 cây (cây chặt hạ là những cây sâu, rỗng thân, sâu gốc, nghiêng, cong, phát triển không bình thường, cây đã chết).
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội
Số cây bóng mát nằm trên dải phân cách giữa tuyến đường là 18 cây (dịch chuyển 11 cây, chặt hạ 7 cây); số cây bóng mát nằm trên vỉa hè phải xén mở rộng lòng đường là 344 cây (dịch chuyển 322 cây, chặt hạ 22 cây); số cây bóng mát nằm trên phần thi công đường bộ và xe đạp giáp bờ sông Tô Lịch là 66 cây (dịch chuyển 16 cây, chặt hạ 50 cây); số cây bóng mát nằm trên dải đất còn lại là 48 cây (dịch chuyển 22 cây, chặt hạ 26 cây); đề xuất cây sau dịch chuyển gồm các cây bóng mát thuộc phạm vi thi công dự án kiến chuyển về trồng cố định và chăm sóc tại ô đất trống thuộc nút giao Đại lộ Thăng Long với tỉnh lộ 70 thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Ông Tuấn cho hay công tác chỉnh trang cây xanh cây xanh, thảm cỏ UBND TP giao Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện và không tính vào dự án này. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 64 tỉ đồng, trong đó khoảng 3,6 tỉ đồng để thực hiện đánh chuyển, chặt hạ cây xanh. Nguồn vốn của dự án này là sự nghiệp kinh tế-ngân sách TP.
Như vậy, trung bình chi phí chặt hạ, đánh chuyển mỗi cây là hơn 7 triệu đồng.
Công tác chặt hạ, di dời gần 500 cây xanh dọc 4 km đường Láng đang được tiến hành
Hiện nay, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị thi công tập trung máy móc thiết bị thi công, nhân công, vật liệu chia làm 4 mũi thi công để phấn đấu triển khai hoàn thành các hạng mục cơ bản trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Về giải pháp trồng lại cây xanh khi dự án hoàn thành được thiết kế hệ thống cây xanh trên dải đất còn lại đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo mô hình tuyến đường Võ Chí Công - Võ Nguyên Giáp; Đại Lộ Thăng Long (trước Trung tâm Hội nghị quốc gia); đường Nguyễn Chí Thanh.
Tầng trên cao trên 1.100 cây bóng mát, gồm các loại như: Phượng tím, cọ dầu, ban, chuông vàng, kèn hồng, Osaka, muồng lá lạc…Tầng cây bụi trên 2.500 cây các loại như: đại sứ, tường vi, ngọc bút, dâm bụt, hoa giấy…Tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu trên 17.000 m2 các loại, gồm dương xỉ, ngọc trai, muống nhật, lan dẻ quạt…
Ông Tuấn cũng cho biết: "Những dự án này là do ngân sách nhà nước, nên chúng tôi phải thực hiện đúng quy định, đến thời điểm này là tháng 1-2019 mới giải ngân được nên chúng tôi mới triển khai dự án".
Tổng chiều dài tuyến đường Láng khoảng 4 km, điểm đầu tuyến Cầu Giấy, điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở (Đống Đa - Hà Nội). Trên cơ sở mặt đường hiện trạng, xén hè bên phải tuyến từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở để mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5 m; xây mới vỉa hè rộng 1,5 m tiếp giáp phần xe chạy; di dời, bảo vệ các công trình ngầm nổi có trên đoạn tuyến nhằm đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho đoạn tuyến; tiến hành di dời 3 công trình gây ùn tắc giao thông trong phạm vi xén mở rộng mặt đường bao gồm: Cây xăng đầu cầu 361, đội ứng trực xử lý thoát nước, chợ tạm Ngã Tư Sở và một số nhà vệ sinh công cộng.
Riêng vị trí Miếu Đôi Cô Cửa Sông sẽ không di dời, tổ chức xén mở rộng vào dải phân cách, di chuyển cây xanh trong phạm vi xén; xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4 m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên đường chắn bê tông cốt thép sát bờ sông…
Bình luận (0)