Tại buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với UBND TP Hà Nội vào chiều 16-10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chuyển lời Thủ tướng nhắc Hà Nội phản ứng còn chậm so với yêu cầu trong vụ việc ô nhiễm nước sông Đà. "Hôm qua, Thủ tướng đã phải có ý kiến chỉ đạo, đốc thúc các bộ, ngành, TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình phải xử lý sự cố này, bảo đảm cung cấp nước sạch đúng tiêu chuẩn cho người dân" - ông Mai Tiến Dũng nói.
Người dân Hà Nội lấy nước tại Nhà máy Nước Hạ Đình sau sự cố nước sạch nhiễm dầu
Ngay từ tối 15-10, sau khi Hà Nội có khuyến cáo không sử dụng nước sông Đà trong ăn, uống do có hàm lượng styren cao hơn mức cho phép, nhiều người dân thủ đô đã phải tính toán việc chuẩn bị nước sinh hoạt cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Bắc (trú tại quận Nam Từ Liêm) cho biết gia đình đã phải mua 3 bình nước tinh khiết với giá 60.000 đồng/bình để nấu ăn ngay trong đêm. "Sau khi TP công bố các chỉ số xét nghiệm, chúng tôi không dám sử dụng nước sông Đà để nấu ăn, uống mà chỉ dùng tắm giặt. Một số người cũng góp ý không nên tắm vì dễ bị các bệnh ngoài da" - anh Bắc lo lắng.
Công ty Nước sạch Hà Nội đã bố trí xe cấp nước cho các khu đô thị từ trong đêm. Tình cảnh xếp hàng lúc nửa đêm chờ lấy nước sạch diễn ra tại nhiều nơi ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai... Do nhu cầu sử dụng nước lớn, các xe chở nước chỉ như "muối bỏ bể". Lãnh đạo Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết từ 16 giờ đến 21 giờ ngày 15-10, đơn vị đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc điện thoại đề nghị cấp nước. Công ty đã vận hành tối đa nguồn nước dự phòng, mở cửa các nhà máy nước Mai Dịch, Hạ Đình, Pháp Vân, trạm cấp nước Quỳnh Mai để mọi người dân vào lấy nước tự do.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Nhà máy Nước Hạ Đình (Thanh Xuân) sáng 16-10, rất đông người dân sử dụng thùng nhựa, can, xô chậu để lấy nước sạch tại nguồn cấp của nhà máy. Một số hộ dân còn tập hợp lại, sử dụng xe kéo để vận chuyển được nhiều nước hơn. Lo ngại cho tình trạng này còn kéo dài, ông Đinh Văn Thắng (64 tuổi, trú quận Thanh Xuân) cho biết sự việc xảy ra hơn 1 tuần mà đến tận sáng 16-10 người dân mới được cấp nước, chính quyền quá chậm trễ. "Trong 1, 2 ngày thì chúng tôi còn cố gắng khắc phục bằng cách đi xách nước được nhưng kéo dài hơn thì khổ người dân quá" - ông Thắng bức xúc.
Một trong những đối tác của phía Viwasupco là Viwaco. Hiện Viwaco đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 147.000 khách hàng tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì. Nguồn nước chủ yếu của Viwaco bán cho người dân là của sông Đà với công suất cấp 200.000-210.000 m3/ngày đêm. Một đối tác lớn khác của Viwasupco là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông. Công ty này hiện cung cấp nước cho hơn 150.000 khách hàng, năm 2019 sẽ tăng lên khoảng 165.000 khách hàng tại khu vực quận Hà Đông, một phần quận Nam Từ Liêm, một số xã của các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa.
Hiện các đối tác của Viwasupco như Viwaco, Công ty Nước sạch Hà Đông đều đã thông báo đến khách hàng tạm ngừng tiếp nhận nước từ sông Đà, bổ sung các nguồn nước khác để bảo đảm sinh hoạt cho người dân. Trong khi đó, phía Viwasupco chưa khẳng định thời điểm nào sẽ cấp nước trở lại cho khách hàng.
Khởi kiện yêu cầu bồi thường
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư (LS) Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) nhấn mạnh: Viwasupco là doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ nước sạch cho người dân có thu tiền thì phải bảo đảm chất lượng nguồn nước. Người dân có thể khởi kiện dân sự để buộc Viwasupco bồi thường toàn bộ thiệt hại do việc kinh doanh nước ô nhiễm. Tuy nhiên, LS Ứng thừa nhận việc thống kê thiệt hại là khá khó khăn.
LS Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng việc xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phụ thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra.
Bình luận (0)