UBND quận Hoàn Kiếm vừa có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét cho phép triển khai thực hiện đề án Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) trên địa bàn quận.
Nhiều thuận lợi
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết với vị trí trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa của Hà Nội, quận này có nhiều tiềm năng để phát triển KTBĐ một cách đồng bộ.
Những năm gần đây, số lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn tăng nhanh (năm 2016: 1,4 triệu lượt; 2017: 1,8 triệu lượt; 2018: 2,1 triệu lượt; 2019: 2,35 triệu lượt). Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú cũng như mức chi tiêu. Du khách từ châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)… đã quen với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm tại nước của họ, do vậy cũng kỳ vọng sẽ được khám phá những nét đặc sắc ở sản phẩm du lịch đêm tại điểm đến du lịch này.
Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội, hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển KTBĐ, đặc biệt có tài nguyên du lịch đa dạng. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 190 di tích, trong đó nhiều di tích tiêu biểu của thủ đô và đất nước; có các không gian sáng tạo đã phát triển thành các sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu, như: không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ trong khu phố cổ; không gian bích họa phố Phùng Hưng; tuyến phố ẩm thực đêm Tống Duy Tân - Cấm Chỉ...; có chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối, trung tâm bán buôn của thủ đô và toàn miền Bắc; có các tuyến phố chuyên doanh, thương mại sầm uất; tập trung nhiều ngân hàng, trung tâm tài chính, chứng khoán, với 676 khách sạn, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành... đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến quận Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng, có tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, rất thuận lợi cho phát triển KTBĐ.
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đang dần trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến Hà Nội
Đồng bộ nhiều giải pháp
Mặc dù việc phát triển KTBĐ chắc chắn sẽ góp phần thu hút thêm du khách nhưng nhiều chuyên gia cũng cảnh báo sẽ dễ phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự. Vì vậy, cần nghiên cứu đề ra dịch vụ mới, chính sách phù hợp để thu hút các cơ sở kinh doanh tham gia nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Để phát triển KTBĐ tốt hơn, quận Hoàn Kiếm cần xây dựng một chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Ngoài những hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội, dịch vụ ngân hàng, bưu chính, tài chính… thì cần có những dịch vụ như chợ đêm, quán bar, karaoke, casino… Phải nghiên cứu để các dịch vụ, mặt hàng bảo đảm "tính địa phương, vùng miền" tốt nhất.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết quận này sẽ phối hợp các doanh nghiệp du lịch, xây dựng các chương trình, tour du lịch ban đêm để du khách trải nghiệm, như: tham quan di tích lịch sử, văn hóa; khám phá ẩm thực về đêm; xem các buổi biểu diễn nghệ thuật... Tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ có các hoạt động lễ hội đường phố lớn hội tụ các vùng miền của quốc gia và thủ đô, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực, các hoạt động đặc sắc để trở thành "điểm đến, điểm hẹn, điểm nhấn" của du lịch TP; triển khai phương án tổ chức các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi loại hình kinh doanh sang phục vụ khách du lịch.
Đồng thời, các cơ quan, ban ngành của quận sẽ nỗ lực tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức cho các cơ sở kinh doanh bảo đảm tuân thủ những quy định về an ninh trật tự, trật tự đô thị, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự...
Đòn bẩy du lịch
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt, đặc biệt là du lịch… Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển KTBĐ có thể coi là đòn bẩy cho du lịch khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp cho ngân sách.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, phát triển KTBĐ phải gắn và lấy du lịch làm động lực. Để KTBĐ thực sự là đòn bẩy cho du lịch khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần đặt và lấy lợi ích của cộng đồng làm tiêu chí để quy hoạch, xây dựng các quy chế, chế tài cho hoạt động kinh tế này. Muốn làm cho bài bản, chuyên nghiệp thì phải có kế hoạch cũng như quy chế rõ ràng, cụ thể cho cộng đồng tham gia vào phát triển, gắn liền với quyền lợi cũng như trách nhiệm của mỗi cá thể trong đó.
Hoạt động đến 24 giờ
UBND quận Hoàn Kiếm dự kiến việc triển khai thí điểm giai đoạn 1 (từ khi được UBND TP phê duyệt đến ngày 31-8-2021): Tập trung phát triển các không gian động lực cho KTBĐ để tạo tiền đề phát triển toàn diện trên toàn địa bàn. Giai đoạn 2 (từ ngày 1-9-2021): Phát triển KTBĐ toàn diện trên địa bàn.
Phạm vi hoạt động KTBĐ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ: Văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, du lịch; các hoạt động vận chuyển; hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ được tổ chức không giới hạn thời gian vào tất cả các ngày trong tuần. Không gian đi bộ trong khu phố cổ và không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu sẽ tổ chức đồng bộ với thời gian tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Các hoạt động ngoài trời tổ chức đến 24 giờ; các điểm di tích, di sản cũng mở cửa đến 24 giờ.
Bình luận (0)