Sáng 8-7, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu đã xem xét, thảo luận nhiều nội dung phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2019.
Đề cập đến phương án vay lại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, bà Hồ Vân Nga, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội, cho biết việc thành phố thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của dự án.
Theo bà Nga, phương án vay lại này được HĐND TP Hà Nội quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của thành phố theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm của thành phố và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND TP Hà Nội trình.
Tàu tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông - Ảnh: NGÔ NHUNG
Ngoài ra, liên quan đến việc đưa dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong điều kiện cân đối các nguồn lực của thành phố hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn ODA cho dự án không vượt quá hạn mức vay nợ của TP; khả năng cân đối ngân sách TP để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng cho dự án phù hợp với dự kiến kế hoạch tài chính trung hạn của TP giai đoạn 2021-2025. Bà Nga cho rằng nội dung trình và ý kiến của HĐND TP là bước pháp lý ban đầu đáp ứng yêu cầu về hồ sơ trước khi Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.
"Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất về việc cần sớm triển khai dự án và đề nghị HĐND thành phố chấp thuận việc triển khai dự án từ nguồn vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài)" - bà Hồ Vân Nga nói.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, UBND TP Hà Nội mới đây đã đưa ra phương án vay lại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông. Theo Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được phê duyệt đầu tư từ năm 2008, có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD), trong đó hơn 13.000 tỉ đồng (669 triệu USD) vay của Trung Quốc, phần vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỉ đồng (198 triệu USD).
Trong cơ chế tài chính được duyệt, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án có giá trị hơn 577 triệu USD. Phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông hơn 98 triệu USD (hơn 2.300 tỉ đồng). Theo Hà Nội, số tiền hơn 98 triệu USD này là kinh phí chi cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy-toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
UBND TP cho hay các cơ quan Trung ương đã đồng ý ủy quyền cho Ban Quản lý dự án Đường sắt ký kết thỏa thuận cho vay lại phần vốn vay nước ngoài hơn 98 triệu USD để giải ngân các hạng mục liên quan tới việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Lãi suất mà TP Hà Nội phải trả là 4%/năm, trong trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí… bên vay lại phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn.
Còn liên quan đến dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký tờ trình gửi HĐND TP về việc đưa dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư, sử dụng từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.700 triệu USD, tương đương khoảng trên 40.500 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, theo cơ cấu vốn, vốn vay ODA dự kiến trên 1.400 triệu USD, tương đương khoảng 34.296 tỉ đồng (chiếm 84,5% tổng mức đầu tư); vốn đối ứng ngân sách thành phố dự kiến là trên 271 triệu USD, tương đương khoảng hơn 6.280 tỉ đồng (chiếm 15,5% tổng mức đầu tư) thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia.
Bình luận (0)