Quyết định mở rộng địa giới hành chính thủ đô ngày 1-8-2008 đã đẩy số lượng công chức của TP lên tới khoảng 100.000 người, trong đó gần 1.000 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý. Riêng Ban Tổ chức Thành ủy có tới 8 cấp phó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có 13 phó giám đốc...
Đội ngũ cán bộ quá lớn
Với đặc thù khác biệt về trình độ phát triển, văn hóa giữa Hà Nội và Hà Tây mà "hệ quả" của công cuộc sáp nhập là đã tạo ra một đội ngũ cán bộ cơ sở có trình độ không đáp ứng được việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP.
Ông Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhận xét số lượng cán bộ có trình độ ở các xã rất ít, thậm chí có cán bộ chủ chốt của huyện không có bằng cử nhân. Phần lớn cán bộ sở, ngành chưa được đào tạo, bồi dưỡng về trung, cao cấp chính trị. "Bởi vậy, công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được tiến hành dân chủ, bài bản, công khai để cả bộ máy vận hành thống nhất hiệu quả, bảo đảm hợp tình hợp lý, nhân văn" - nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, chia sẻ.
Đại lộ Thăng Long nối trung tâm Hà Nội với nhiều địa phương (thuộc Hà Tây cũ) được hoàn thành sau khi sáp nhập Ảnh: NGÔ NHUNG
Chủ trương được đưa ra là các cán bộ trong Thường trực Thành ủy và Tỉnh ủy sẽ do trung ương sắp xếp và bố trí; đội ngũ cán bộ xã, phường được giữ nguyên. Tương tự, các cán bộ là phó sở, ban, ngành được giữ nguyên, gộp theo phép cộng; trưởng các sở, ngành của 2 địa phương thì một người làm trưởng, một xuống làm phó hoặc điều động sang nhận nhiệm vụ khác. Ngoài ra, 2 ban chấp hành của 2 đảng bộ cũng được giữ nguyên, kéo theo tổng cộng có 99 người trong ban chấp hành; 2 ban thường vụ được giữ nguyên với tổng cộng 23 người. Trung ương còn chỉ đạo bổ sung cho 29 quận, huyện mỗi nơi có 1 phó chủ tịch và 1 phó bí thư.
"Tôi cho rằng trung ương giao một bài toán rất khó đối với Thành ủy Hà Nội, dữ kiện để giải quyết bài toán công tác cán bộ rất ít. Khi sắp xếp như thế này sẽ động chạm tư tưởng hàng trăm con người. Và, trong quá trình này, Hà Nội phải tự xây dựng đề án. Có cán bộ làm trưởng ngành thực hiện tốt nhiệm vụ, có triển vọng phát triển nhưng phải bố trí sắp xếp làm phó hoặc điều chuyển sang nhiệm vụ khác thấp hơn. Cán bộ có tâm tư không? Tôi khẳng định là có nhưng vì cách làm của Thành ủy chủ động, sáng tạo, bài bản, công khai dân chủ, vì việc chung, phần nào đã giải tỏa tâm tư của cán bộ" - ông Soái nhận xét.
Tất cả vì cái chung
Ông Nguyễn Công Soái nhấn mạnh có được thành công của công tác sắp xếp khối lượng cán bộ "khủng" thời điểm đó là nhờ các cán bộ, đảng viên đã vì cái chung để vượt lên tất cả, tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau. Đặc biệt, công tác sắp xếp đã thể hiện được tính nhân văn.
"Điều động luân chuyển gần 60 phó sở, ban, ngành về làm phó bí thư, phó chủ tịch quận, huyện là việc cực kỳ khó khăn, liên quan gần 150 cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động. Hầu hết họ không muốn luân chuyển. Sau khi xây dựng đề án, tiêu chí, nguyên tắc, chế độ, chính sách và có xem xét hoàn cảnh cụ thể của những trường hợp khó khăn, các cán bộ đã chấp hành nghiêm túc" - ông Soái kể.
Sau 10 năm, đội ngũ cán bộ đã giảm dần, chỉ còn tương đương với các tỉnh, TP khác theo quy định của Chính phủ, trung ương nhưng bộ máy vẫn hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Bài học kinh nghiệm là công tác sắp xếp, bố trí, đào tạo quy hoạch phải công tâm, khách quan tạo sự đồng thuận.
Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị - người đứng đầu thủ đô thời điểm đó - đã phải trăn trở về khả năng quy tụ, gắn kết, cộng đồng trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ sau khi hợp nhất. Ông cho rằng cái được nhất vào thời điểm đó là Hà Nội đã có được sự chủ động, sáng tạo, tự nguyện và thậm chí cả sự hy sinh của đội ngũ cán bộ.
"Ngay cuộc làm việc đầu tiên của 2 thủ trưởng ở 2 địa phương đều rất dân chủ, trong sáng, không có gì gọi là cục bộ địa phương. Đội ngũ cán bộ sẵn sàng chấp hành sự phân công nhưng trên cơ sở sự phân công đó phải đúng, công bằng, khách quan, hợp tình hợp lý, chọn đồng chí này mà không chọn đồng chí kia là cả một vấn đề. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ, 2 ban thường vụ tuy là mới nhưng tôi yêu cầu cứ phải bỏ phiếu kín. Khi có một ủy viên Trung ương Đảng làm việc riêng với tôi về phương án sáp nhập, tôi cũng thẳng thắn đề nghị phải tôn trọng hiện trạng là hợp nhất thì hợp nhất toàn bộ, chỉ có điều bớt trưởng, bớt phó thường trực đi. Rất nhiều người thiệt thòi, đang từ trưởng xuống phó, đang phó thường trực thì thành phó thường, đang cấp lãnh đạo trên TP thì giờ phải luân chuyển về huyện" - ông Nghị kể lại.
Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh: "Ai bảo Hà Nội to hơn Hà Tây, quan trọng hơn Hà Tây thì thủ trưởng của Hà Tây chỉ làm phó cho Hà Nội? Không có quy định nào như thế. Nhưng quả thật, để việc sắp xếp thành công thì có cả sự hy sinh sự nghiệp cá nhân của không ít người".
Quyết sách đúng đắn
Ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - cho biết một thập niên kể từ ngày Nghị quyết "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan" có hiệu lực, tuy không phải là dài song lại là giai đoạn đặc biệt quan trọng tạo dựng thế và lực mới cho thủ đô trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ở góc độ khác, văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội giờ hợp lưu thêm văn hóa xứ Đoài và một vùng Sơn Nam thượng cùng những thành tố văn hóa riêng khác cũng đặt ra không ít trăn trở về sự hòa nhập, hội tụ và phát triển.
Hà Nội hôm nay, tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số nhưng đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước. Những con số ấy là sự khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn và tầm vóc quyết sách lịch sử của Đảng, nhà nước. Những thành tựu đáng tự hào đến từ sự đồng lòng, nhất trí, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị TP.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-7
Bình luận (0)