Chiều 23-11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 14, xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung quan trọng, trong đó có Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, các chương trình, kế hoạch năm 2024 và dự thảo Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Đạt nhiều kết quả quan, toàn diện
Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức; song, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô năm 2023 đã đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Có thể khẳng định, năm 2023, TP Hà Nội đã thực hiện khá toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, thành phố đã cố gắng thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi để tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới, như: Sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của thành phố; thực hiện Đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền thuộc thành phố...
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng tình hình kinh tế-xã hội của cả nước cũng như TP Hà Nội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn; do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Kiểm tra 10 tổ chức Đảng
Tại hội nghị, ông Hoàng Trọng Quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, cho biết theo dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ TP năm 2024, Đảng bộ thành phố thực hiện đồng bộ 2 nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên và kiểm tra, giám sát chuyên đề.
Đối với kiểm tra, giám sát thường xuyên, sẽ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách, các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đôn đốc thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo và giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, phức tạp của cơ sở.
Định kỳ hằng quý, 6 tháng, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị giao ban với các quận, huyện, thị xã; các ban Đảng Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố; các hội nghị chuyên đề để kiểm tra, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện, kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc và định hướng lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch công tác.
Đối với kiểm tra, giám sát chuyên đề, Ban Thường vụ Thành ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện 2 cuộc giám sát và 1 cuộc kiểm tra.
Cụ thể, sẽ giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy, trọng tâm là công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường của Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy; thời gian thực hiện: Quý I-2024.
Đối tượng giám sát là 5 Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy; Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và đảng viên là người đứng đầu tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị được giám sát.
Giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025"; thời gian thực hiện: Quý I-2024.
Đối tượng giám sát gồm 6 tổ chức Đảng (một số Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; Đảng ủy và tập thể lãnh đạo một số sở, ngành thành phố) và đảng viên là người đứng đầu tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị được giám sát.
Theo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2024, Thành ủy Hà Nội cũng sẽ kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội; thời gian thực hiện: Quý II-2024.
Đối tượng kiểm tra là 10 tổ chức Đảng (một số Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy; đảng ủy, tập thể lãnh đạo sở, ban, ngành) và đảng viên là người đứng đầu tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị được kiểm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cũng cho biết, căn cứ tình hình thực tế, kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thành ủy Hà Nội có thể được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố năm 2024.
Bình luận (0)