Ngày 13-8, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội.
383 dự án "rùa bò"
Theo kết quả giám sát của HĐND TP, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án còn nhiều. Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định gây bất bình trong nhân dân. Những quận, huyện có số dự án chậm triển khai, vi phạm nhiều, như: Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án…
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo chỉ có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai) nhưng trong khi tổng hợp từ các quận, huyện, đoàn giám sát phát hiện thêm 172 dự án vi phạm, nâng tổng số lên 383 trường hợp.
Liên quan đến việc xử lý các dự án vi phạm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, khẳng định TP đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, do đó không thể để kéo dài tình trạng này được. "Ngay sau phiên họp giải trình này, TP sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm triển khai cần phải thu hồi. Quan điểm của TP là sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện, dự án nào các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thì sẽ kiên quyết thu hồi".
Khu đất "vàng" số 22-24 Hàng Bài nằm ở ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng chỉ cách hồ Gươm khoảng 100 m bỏ hoang gần chục năm nay
Quản lý yếu kém
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng trước khi đồng ý cho phép triển khai dự án, TP đã thẩm định năng lực của từng chủ đầu tư. Dù vậy, do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án khiến nhiều nhà đầu tư "hụt hơi" về tài chính (sử dụng 80% vốn vay), dẫn đến dự án bị "treo".
Một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là do khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; vướng mắc điều chỉnh quy hoạch sau khi điều chỉnh địa giới hành chính TP (năm 2008); chính sách đất đai có những thay đổi... "Đặc biệt là do sự yếu kém trong lĩnh vực quản lý, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận, huyện. Trong quá trình hậu kiểm, chúng ta nhìn nhận thực tế là quản lý còn yếu kém" - ông Chung chỉ rõ.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định: "Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì một nguyên nhân chủ quan là các cơ quan quản lý ở các sở - ngành, quận - huyện chưa kiên quyết, còn nể nang, né tránh; chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho UBND TP trong quản lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc".
Đối với việc xử lý 383 dự án "rùa bò", bà Ngọc nêu rõ: "Đề nghị UBND TP và các sở, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến tại phiên giải trình này. Các đại biểu HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát và sẽ dành 1 năm để các sở, ngành, quận huyện thực hiện. Sau đó, Thường trực HĐND TP chất vấn lại các nội dung đã cam kết để biết vào thời điểm này năm sau, 383 dự án này đạt được kết quả triển khai đến đâu".
Bình luận (0)