xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

LAY LẮT BÊN DỰ ÁN TREO: Đừng để dân gánh hậu quả

THÙY DƯƠNG

Không một chủ đầu tư nào muốn rơi vào tình trạng dự án treo, không sinh lãi. Nhưng khi đã xảy ra tình trạng đó, cần có những giải pháp cấp bách để tránh mọi thiệt hại cho người dân và nền kinh tế

Nhiều chuyên gia cho rằng dù các tỉnh, thành đang quyết liệt triển khai những biện pháp thu hồi dự án treo nhưng vẫn cần bổ sung nhiều giải pháp cả về trước mắt và lâu dài thì mới thực hiện hiệu quả được, cũng như qua đó hạn chế tối đa dự án treo trong tương lai.

Dùng tiền xử phạt để hỗ trợ dân

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhìn nhận hiện số lượng dự án treo, dự án chậm tiến độ cần phải thu hồi là khá nhiều, đúng như những gì Báo Người Lao Động phản ánh.


Dự án Trung tâm Thương mại Thái Dương bỏ hoang nhiều năm tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ảnh: NGỌC GIANG

Dự án Trung tâm Thương mại Thái Dương bỏ hoang nhiều năm tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ảnh: NGỌC GIANG

Theo ông Liêm, trong khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, có một nguyên nhân là do đây thường là những dự án lớn, thời gian lên kế hoạch, xây dựng khá lâu nên khi đi vào triển khai thì có những biến động trên thị trường. Vì nghi ngờ về hiệu quả dự án nên một số nhà đầu tư chần chừ trong việc triển khai tiếp. “Bản thân nhà đầu tư cũng có thiệt hại bởi tiền bỏ ra rồi nhưng không cách gì thu hồi được. Dù vậy, thiệt hại của họ không thể so sánh với thiệt hại của nền kinh tế, của những người dân phải nhường đất ở, đất canh tác của mình cho dự án” - ông Liêm chỉ rõ.

Ông Liêm cho rằng chính quyền địa phương cần quyết liệt và sát sao trong việc cưỡng chế, xử phạt những dự án này. Cần quy định rõ mỗi năm chậm như thế thì phạt bao nhiêu tiền. Tiền phạt đấy không chỉ bỏ vào ngân sách nhà nước mà còn phải chia cho những người bị thiệt hại, những đối tượng bị mất đất canh tác và được hứa hẹn công việc sau khi dự án thành công… Đây coi như là bồi thường thiệt hại cho người dân khi chủ đầu tư không thực hiện đủ cam kết.

Có một thực tế là hiện nay, khá nhiều dự án để hoang lâu năm, người dân vì mất đất, thiếu việc làm nên quay về tái canh. Theo ông Liêm, hình thức tái canh đơn giản nhất là thả trâu bò hoặc trồng rau, hoa màu, cây cối… Nếu tình trạng như thế đã xảy ra, chính quyền địa phương nên đứng ra giải quyết để người dân được tái canh có tổ chức bởi nếu để đất không thì cũng quá lãng phí. “Dù dự án bị treo do nguyên nhân gì thì cũng thiệt hại cho nền kinh tế vì đất đai là tài nguyên, để nó không sinh lợi thì không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư mà ảnh hưởng đến cả nền kinh tế của quốc gia. Để việc xử lý đạt được hiệu quả, quan trọng nhất là phải thể hiện bằng văn bản pháp lý, nêu rõ ai có trách nhiệm về vấn đề này. Ở đây, ít nhất phải là thông tư liên Bộ Tài nguyên - Môi trường và Kế hoạch - Đầu tư để xử lý trường hợp chậm trễ” - ông Liêm đề xuất.

Đặt lợi ích của người dân cao nhất

PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhận định để xảy ra dự án treo nhiều như hiện nay lỗi đầu tiên là ở cơ quan quản lý đầu tư của ngành và các địa phương. Họ đã quá thông thoáng, ưu ái, rải thảm dẫn đến các dự án được đánh giá không kỹ lưỡng. Đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là người dân sống ở khu vực dự án khi bỗng dưng mất đất sinh sống, làm ăn, mất nghề… “Yêu cầu cam kết khi triển khai dự án như thế nào mà để dự án treo ở đó, người dân không có đất làm ăn, không có công ăn việc làm? Như thế là rất bất hợp lý” - ông Đào đặt vấn đề, đồng thời đề xuất cần bổ sung cơ chế xử lý kịp thời.

Cũng theo vị chuyên gia này, chính quyền địa phương, các bộ - ngành cấp phép cho dự án phải cương quyết, kịp thời thu hồi dự án chứ không thể trông đợi vào chủ đầu tư đang gặp khó khăn. Ngoài ra, cần rà soát lại tất cả các hộ dân tại khu vực dự án xem việc đền bù khi giải phóng mặt bằng đã hợp lý chưa, có còn nợ đọng gì chưa được giải quyết, người dân đã được bố trí việc làm ổn định chưa... “Việc xem xét, rà soát phải linh hoạt để đánh giá dự án đền bù đã thỏa đáng, công minh, đúng thực tế hay chưa. Không thể cứng nhắc trong chuyện này bởi chỉ việc gây xáo trộn đời sống của nhân dân là đã ảnh hưởng quá lớn đến họ rồi. Làm việc gì đều phải đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, đừng bắt họ phải gánh hậu quả” - TS Đào nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng hiện nay, cơ chế chính sách đã có đầy đủ. Theo đó, dự án được giao nếu quá 2 năm không thực hiện sẽ bị thu hồi, dự án sai công năng mà đã được cấp đất thì cơ quan quản lý nhà nước cũng có quyền thu hồi. “Vấn đề ở chỗ chính quyền có chịu làm hay không, doanh nghiệp có chạy chọt sân sau để thoát “án” thu hồi hay không” - TS Phong đặt vấn đề.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-9

Công khai để dân giám sát

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong góp ý để tránh tình trạng doanh nghiệp “lobby” đối với cơ quan quản lý, cần công khai danh sách những dự án chậm tiến độ trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng điện tử của ngành, địa phương để người dân biết và giám sát. Với các dự án được giãn tiến độ cũng cần công khai rõ lý do, thời hạn được giãn. Đó là cách để chống lợi ích nhóm, “bôi trơn”, “lót tay” kéo dài tiến độ dự án mà một số doanh nghiệp có thể làm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo