Nêu ý kiến tại kỳ họp, ĐB Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín - 1 trong 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua) cho biết huyện phấn đấu thành quận, lấy du lịch và dịch vụ làm mũi nhọn. Do đó, ĐB này kiến nghị công trình Vành đai 4 khi xây dựng các cây cầu cần phải xứng tầm để địa phương thu hút du khách. ĐB Nguyễn Thành Nam (huyện Phú Xuyên) cho rằng dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa thủ đô, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng thủ đô, kết nối các quốc lộ, đường cao tốc hướng tâm. "Hiện đường Vành đai 3 đã quá tải. Khi có đường Vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3, góp phần phát triển đô thị hai bên tuyến, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng" - ông Nam nói.
Trong khi đó, theo ĐB Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín), trong quá trình thiết kế đường Vành đai 4, nếu có đi qua một số khu vực làng nghề có tỉ trọng kinh tế cao, phát triển du lịch sinh thái, môi trường, xuất hàng đi quốc tế thì cần chú ý đến nhu cầu sử dụng kết nối của các làng nghề. Khi thiết kế một số cây cầu nên nghiên cứu đến nhu cầu thẩm mỹ. "Mỗi cây cầu xây dựng bây giờ không dừng lại ở tiêu chí an toàn giao thông mà còn trở thành các công trình văn hóa" - ông Hải nói.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết TP Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan tư vấn và các đơn vị liên quan rà soát cập nhật lại số liệu tính toán, bổ sung thêm nội dung dự kiến kế hoạch, tiến độ bố trí vốn và giải ngân các năm. Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này trình Chính phủ. Theo đó, xác định chủ trương nguồn vốn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô được dự kiến bố trí từ ngân sách thành phố khoảng 23.500 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 gần 19.500 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 hơn 4.000 tỉ đồng. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của dự án như sau: Năm 2022 khoảng 100 tỉ đồng, năm 2023 khoảng 8.400 tỉ đồng, năm 2024 khoảng 5.955 tỉ đồng và năm 2025 khoảng hơn 5.000 tỉ đồng. Tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.
Dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô có chiều dài 112,8 km, trong đó qua TP Hà Nội 58,2 km, tỉnh Hưng Yên 19 km, tỉnh Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối Quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.
Bình luận (0)