Trong bài phát biểu không lâu sau khi đặt chân đến Đà Nẵng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định xây dựng một khu vực tự do ở châu Á - Thái Bình Dương là giấc mơ "chúng ta cùng nuôi dưỡng". Không chỉ khẳng định toàn cầu hóa kinh tế có những đóng góp rất lớn cho phát triển toàn cầu, nhà lãnh đạo nền kinh tế số 2 thế giới còn cho rằng đây là một xu thế không thể đảo ngược.
"Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở có lợi cho tất cả. Sự mở cửa mang lại tiến bộ, còn đóng cửa khiến chúng ta ở lại phía sau. Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hiểu điều này quá rõ" - ông Tập nói. Bên cạnh đó, ông vạch rõ trong quá trình theo đuổi toàn cầu hóa, cần làm sao để quá trình này mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, mang lại lợi ích, sự bình đẳng hơn và có lợi cho tất cả mọi người.
Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết kế hoạch trong 15 năm tới, Bắc Kinh hướng tới một thị trường rộng hơn. "Lúc đó chúng tôi sẽ cần nhập khẩu 24.000 tỉ USD hàng hóa và thu hút khoảng 2.000 tỉ USD vốn đầu tư, cũng như đầu tư ra nước ngoài khoảng 2.000 tỉ USD nữa" - ông tiết lộ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên) và Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC chiều 10-11 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong khi đó, cũng đề cập tới một giấc mơ nhưng giấc mơ của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có phần khác biệt. Việt Nam nổi lên trong bài phát biểu của tổng thống Mỹ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới khi kinh tế tăng trưởng gần 30 lần kể từ những năm 1990. Đồng thời, sinh viên Việt Nam được ông đánh giá nằm trong số những sinh viên hàng đầu thế giới, bên cạnh việc khẳng định 2 nước ngày nay là bạn, không còn là kẻ thù của nhau.
Trong bài phát biểu vốn được kỳ vọng sẽ thể hiện rõ ràng hơn chính sách về Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington này, ông chủ Nhà Trắng đã công bố "Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương" trước cộng đồng lãnh đạo doanh nghiệp của 21 thành viên APEC, khẳng định rằng ông sẽ luôn đặt "nước Mỹ lên trên hết" nhưng đón mời tất cả nền kinh tế tham gia các thỏa thuận thương mại song phương với nền kinh tế số 1 thế giới.
"Tôi sẽ tiến hành các thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của chúng tôi và sẽ tôn trọng nguyên tắc công bằng và có đi có lại" - ông Donald Trump nói trong khi tuyên bố một cách rõ ràng rằng Mỹ sẽ không tiếp tục tham gia các hiệp định lớn trói tay nước Mỹ, ảnh hưởng đến chủ quyền, cũng như khiến việc thực thi điều đó một cách có ý nghĩa trở nên bất khả thi trong thực tế.
"Tất cả phải cùng chơi theo luật", đó là lưu ý đặc biệt của vị tổng thống xuất thân là một tỉ phú, để thực hiện được cái mà ông gọi là "Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương". Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng tương tự như các quý vị trong căn phòng này sẽ đặt nước mình lên trên hết".
Cũng theo lời Tổng thống Donald Trump, Mỹ có lợi ích trong việc xây dựng quan hệ đối tác ở một khu vực đang trở nên phát đạt, thịnh vượng và không phụ thuộc vào bất cứ ai. "Chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định vì mục đích quyền lực hay bảo trợ. Chúng tôi sẽ không bao giờ yêu cầu các đối tác từ bỏ chủ quyền, quyền riêng tư và sở hữu trí tuệ hay hạn chế hợp đồng đối với các công ty quốc doanh" - ông cho biết.
Chia sẻ quan điểm về "giấc mơ" trong 2 bài phát biểu của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị, Giám đốc điều hành Hiệp hội của các ông chủ và nhà sản xuất New Zealand (EMA), ông Kim Cambell, nói rằng 2 "giấc mơ" phản ánh những quan điểm hoàn toàn khác nhau về hợp tác đa phương. Vị CEO cũng cho rằng có thể nhận ra không nên mong đợi sự trở lại của Mỹ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Bình luận (0)