Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hiện độ mặn đo được tại các sông trên dưới 30‰. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì độ mặn năm nay sẽ đạt mức 38‰, bằng với năm 2018, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh.
"Thủ phủ" tôm... nguy cấp
Theo ghi nhận, thời gian qua, ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau có hàng chục hộ dân lâm vào cảnh khó khăn vì nuôi tôm công nghiệp thua lỗ. Nhiều người kiệt quệ vì con tôm đã phải chọn cách rời bỏ quê hương lên các thành phố lớn để làm thuê, số khác dồn hết vốn liếng tiếp tục đầu tư nuôi vụ mới.
Ông Nguyễn Văn Sang (41 tuổi; ngụ ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Đông) cho biết gia đình ông có 2 ao nuôi tôm công nghiệp với diện tích trên 3.000 m2. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, do thời tiết diễn biến thất thường như: nắng nóng kéo dài, độ mặn cao… dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra nên thành ít hơn bại. "Dù nợ nần chồng chất nhưng tôi vẫn cố vay mượn tiền với hy vọng trúng vụ nuôi này. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng gay thế này thì nguy quá" - ông Sang lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Sang lo lắng vụ tôm mới của gia đình bị ảnh hưởng trước diễn biến thời tiết nắng nóng bất thường Ảnh: Vân Du
Theo nhiều người có thâm niên trong nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và Trà Vinh, nắng nóng kéo dài dẫn đến độ mặn lên cao sẽ làm cho con tôm chậm lớn, mắc một số bệnh như: phân trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp… Đây là những bệnh rất khó trị khi tôm mắc phải, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.
Hiện trong 30 tỉnh có ngành nuôi tôm, ĐBSCL là vùng tập trung nuôi tôm lớn nhất cả nước, chiếm 83% sản lượng và 92% diện tích nuôi, trong đó diện tích nuôi nhiều nhất là các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Để giảm bớt thiệt hại cho hoạt động sản xuất của người dân do mùa khô kéo dài cùng với độ mặn cao, ngành thủy lợi các tỉnh này đã và đang gấp rút nạo vét sông ngòi, kênh rạch. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, giải pháp này cần thiết nhằm tạo độ thông thoáng cho các dòng sông, hạn chế độ mặn tăng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi nguồn nước. Cơ quan này còn kêu gọi người dân phát triển nông nghiệp bền vững để giảm bớt rủi ro.
Canh rừng 24/24 giờ
Theo Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu, những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ trung bình trên 30 độ C, độ ẩm trung bình khoảng 54% làm cho cây rừng khô héo, mực nước các tuyến kênh khô cạn, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Dự báo cháy rừng nơi đây đang ở mức cấp IV - cấp nguy hiểm.
Trước tình hình trên, Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu kết hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, đo cấp dự báo cháy rừng; phối hợp với lực lượng PCCC rừng luân phiên trực 24/24 giờ; lấy nước theo triều cường dự trữ vào các kênh mương nhằm tăng độ ẩm rừng và dự trữ nước để chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC rừng đối với các hộ dân ở xung quanh vùng đệm.
Để ứng phó với cháy rừng có thể bất ngờ xảy ra, Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu thường xuyên diễn tập chữa cháy rừng Ảnh: Phúc Nguyên
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có diện tích đất rừng hơn 5.200 ha. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích 2.850 ha là nơi có diện tích đất rừng lớn nhất của tỉnh. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khẳng định đến thời điểm này, đơn vị đã sẵn sàng các phương án ứng phó. Trong đó có việc tuyên truyền cho khoảng 500 người dân sống xung quanh khu bảo tồn ý thức phòng cháy, bảo vệ rừng.
Tại Cà Mau, nắng nóng kéo dài liên tiếp trong những ngày qua khiến hơn 54.000 ha rừng của tỉnh đứng trước nguy cơ cháy cao, nhất là khu vực rừng tràm phòng hộ tại Vườn Quốc gia Vồ Dơi (huyện Trần Văn Thời). UBND tỉnh Cà Mau đã giao cho các chủ rừng chủ động lên phương án phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, tỉnh Cà Mau chuẩn bị 101 máy, hơn 62 km vòi phun nước chữa cháy, 12 ôtô chữa cháy chuyên dụng… phục vụ cho công tác chữa cháy rừng.
An giang lên phương án cứu 16.868 ha rừng
Toàn tỉnh An Giang hiện có 16.868 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên núi và khu vực đồng bằng đang ở cấp báo động cháy cao (cấp III) tập trung chủ yếu ở các khu vực như: Rừng tràm Trà Sư, núi Phú Cường, núi Đất, núi Nhọn... Để bảo đảm tốt hơn nữa trong công tác PCCC rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư; phối hợp cùng địa phương và lực lượng thực hiện nhiệm vụ PCCC cho các khu vực rừng nói trên.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-3
Kỳ tới: Loay hoay tìm giải pháp
Bình luận (0)