Ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, cho biết khoảng cuối năm nay, hãng hàng không này sẽ nhận 10 máy bay A321 Neo đầu tiên được thuê từ đối tác nước ngoài và chính thức đi vào hoạt động. Sau đó, mỗi năm, hãng sẽ nhận thêm 10-20 máy bay để mở rộng quy mô. Trong 2 năm đầu tiên, hãng khai thác khoảng 8-10 đường bay trong nước, chủ yếu là miền Bắc, miền Trung. Đến năm thứ 3, hãng sẽ tham gia thị trường quốc tế với mạng bay dự kiến là 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.
"Đây là sản phẩm hoàn chỉnh cho sự liên kết giữa hàng không và bất động sản nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC với chiến lược phục vụ "tất cả trong một". Bamboo Airways sẽ có những gói ưu đãi về giá cho khách hàng chơi golf và nghỉ dưỡng tại quần thể FLC. Ngược lại, khách của các quần thể cũng sẽ được khuyến mãi khi chọn di chuyển bằng Bamboo Airways" - ông Thắng lạc quan về kế hoạch phát triển.
Nhìn lại quá trình phát triển hàng không tư nhân 10 năm qua, Indochina Airlines và Air Mekong phá sản chỉ sau 1-2 năm cất cánh vì doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Vietjet phải chờ 7 năm sau khi cấp phép mới bay do thị trường không thuận lợi. Vietstar Airlines bị lùi thời hạn xem xét cấp phép vì hạ tầng hàng không đang tắc nghẽn... Quá trình này cho thấy rủi ro pháp lý và rủi ro thị trường có thể là lực cản đối với bất cứ nhà đầu tư nào muốn rót vốn kinh doanh vận tải hàng không.
Trường hợp của Bamboo Airways khá đặc biệt vì theo thông lệ, các doanh nghiệp cầm giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trong tay mới bắt đầu công bố hoạt động, quảng bá thương hiệu, còn công ty này đã rầm rộ quảng bá khi vẫn đang trong quá trình xin cấp giấy phép bay. Nếu không gặp rủi ro pháp lý và rủi ro thị trường, nhiều khả năng Bamboo Airways sẽ cất cánh vào cuối năm 2018.
Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho thấy tính đến hết quý I/2018, đội máy bay của Việt Nam có 175 chiếc, còn cách khá xa mục tiêu đạt 220 chiếc vào năm 2020 và 400 chiếc vào năm 2030.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục HKVN, khẳng định trong bối cảnh thị trường liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số, cầu lớn hơn cung, việc có thêm hãng hàng không mới sẽ tăng thêm sức cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Song, nó cũng nảy sinh những vấn đề mới, đặc biệt là khó khăn về nguồn nhân lực kỹ thuật cao như đội ngũ kỹ sư, thợ máy, phi công.
CEO Bamboo Airways cho biết nguồn nhân sự chủ yếu của hãng vẫn là thu hút từ các hãng khác thay vì đào tạo. Trong bộ máy lãnh đạo của Bamboo Airways hiện nay, vị trí phó tổng giám đốc là một cán bộ của Vietnam Airlines vừa nghỉ hưu.
Theo Cục HKVN, hiện có 64 hãng hàng không nước ngoài từ 26 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam. Mạng bay nội địa hiện có khoảng 53 đường bay và quốc tế có 115 đường bay.
Bình luận (0)