Ngày 5-12, kỳ họp lần thứ 12 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn TP năm 2018. Mở đầu, đại biểu (ĐB) Phan Nguyễn Như Khuê đề cập ngay đến tình trạng gây nhức nhối thời gian qua là thất thu phí đậu ôtô dưới lòng đường.
Quyết trị thất thoát
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê trăn trở: "Tôi đọc thông tin trên báo chí thấy thất thu khoảng 1 tỉ đồng/tháng. Đây là con số rất lớn". Ông Khuê đề nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thông tin rõ hơn về việc thất thoát trong thu phí đậu ôtô dưới lòng đường. Theo ông Khuê, Nghị quyết HĐND TP đã ban hành nhưng ông có cảm giác ngành chuyên môn còn luộm thuộm, mặc dù đã lùi thời gian thực hiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Ông Khuê cho rằng không nên cứ thấy khó là đẩy cho đơn vị khác quản lý (UBND TP đã giao Lực lượng TNXP TP phụ trách việc thu phí - PV). Cái chính là ngành chủ lực, tham mưu phải đánh giá, bao quát vấn đề này. "Tình hình này không thể để kéo dài. Các cơ quan chức năng cần quan tâm để tránh thất thoát nguồn thu nhằm bổ sung nguồn ngân sách của TP" - ĐB Khuê nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất nên thu mua rác của người dân nếu tái chế được Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trả lời vấn đề ĐB đặt ra, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho rằng đây là lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thu phí tự động. Người đứng đầu ngành giao thông TP đánh giá mục tiêu kiểm soát, giảm bớt nhu cầu lưu thông về khu vực trung tâm cơ bản bảo đảm nhưng có thêm nguồn để duy tu hệ thống công trình thì chưa được hiệu quả. Theo ông Cường, khó là tổ chức thu và giám sát. Hiện trên 23 tuyến đường thí điểm đã lắp 261 camera giám sát. Tuy nhiên, giám sát việc người dân tự nguyện thanh toán còn khó khăn. Tỉ lệ số tiền thu thực tế so với số lượng giám sát qua camera mới chỉ đạt 16%. "Sắp tới, nếu tăng cường giám sát chặt chẽ thì nguồn thu chắc chắn sẽ tăng" - ông Cường khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết việc giao Lực lượng TNXP phụ trách thu phí đậu ôtô dưới lòng đường, TP đã có tính toán. "Đơn vị này đủ lực lượng để tiến hành thu. Còn Sở GTVT sẽ làm công việc kiểm tra, giám sát" - Phó Chủ tịch UBND TP nói.
Đề xuất thu mua rác có thể tái chế
Bên cạnh vấn đề thất thoát nguồn thu phí đậu ôtô trên lòng đường, ĐB còn đặt ra nhiều băn khoăn về câu chuyện phân loại rác tại nguồn (PLRTN). ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề: "Chủ trương này tạo được sự đồng thuận nhưng việc thực hiện cứ trầy trật. Phải chăng cách làm của chúng ta chưa đúng?". ĐB Nguyễn Thị Kim Dung thì cho rằng công tác tuyên truyền về PLRTN của TP là rất tích cực nhưng thực tế tồn tại nhiều hình ảnh không đẹp, làm ảnh hưởng tới niềm tin của người dân về công tác này. ĐB Dung đề xuất có thể thu mua rác của dân nếu tái chế được.
Trước ý kiến của ĐB, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận cần thời gian để người dân hiểu và nhận thức được sự cần thiết của việc PLRTN, bảo vệ môi trường thì kết quả mới như mong muốn. Nói về quy trình, ông Thắng cho biết Nghị định 155 của Chính phủ ban hành cuối năm 2016 thì đầu năm 2017, TP ban hành kế hoạch PLRTN giai đoạn 2017-2020. Các sở, ngành có 1 năm để tham mưu chính sách. Trong đó, ngành TN-MT đã tham khảo 14 chính sách trước khi ban hành Quyết định 44 năm 2018, sau đó mới tổ chức thực hiện.
Về thu mua rác có thể tái chế như ĐB đề xuất, ông Thắng nhìn nhận đây là giải pháp nhỏ nhưng thiết thực, góp phần thực hiện thành công PLRTN. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhận định đây là giải pháp rất đáng quan tâm. Mấu chốt giải pháp PLRTN là làm sao cho người dân thấy được lợi ích cũng như nghĩa vụ của mình; đồng thời tổ chức thu mua sao cho hiệu quả.
Nhận trách nhiệm và gấp rút gỡ vướng cấp GCN
Liên quan đến vấn đề giải quyết kiến nghị của cử tri về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải cho biết TP vẫn còn hơn 17.300 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN). Ông Hải đề nghị chính quyền tập trung giải quyết. ĐB Nguyễn Minh Nhựt thì nêu việc chậm trễ có nguyên nhân từ sự phối hợp giữa cơ quan tham mưu, các sở - ngành liên quan và chính quyền địa phương có vấn đề.
Trả lời ĐB, Giám đốc Sở TM-MT Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận để tình trạng đơn thư khiếu nại về cấp GCN trên địa bàn TP nhiều như hiện nay, trách nhiệm đầu tiên thuộc về sở này. Phân tích cụ thể, ông Thắng nói có 3 nguyên nhân. Một là, việc phân cấp thẩm quyền quản lý chưa hợp lý. Hai là, đội ngũ cán bộ mà cụ thể là giai đoạn 2016-2018, Sở TN-MT đã xử lý 18 cán bộ liên quan đến sai phạm trong cấp GCN; qua đó thay 5 giám đốc chi nhánh, 7 phó giám đốc chi nhánh; xử lý 4 chuyên viên; một trường hợp chuyển qua xử lý hình sự. Ba là, công tác kiểm tra bản vẽ, sơ đồ nhà đất có nhiều sơ suất.
Về 17.303 trường hợp chưa được cấp GCN, ông Thắng khẳng định sẽ phối hợp với các quận, huyện phân loại và tìm hướng giải quyết nhanh nhất.
Nỗ lực hơn sau khi lấy phiếu tín nhiệm
Chiều 5-12, HĐND TP HCM đã công bố kết quả phiếu tín nhiệm 30 cán bộ chủ chốt. Có 101 ĐB tham gia bỏ phiếu. Theo đó, Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh được 86 phiếu tín nhiệm cao (hơn 81%), nhiều nhất trong số những người được lấy phiếu tín nhiệm. Tiếp đó là Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận được 81 phiếu tín nhiệm cao (hơn 77%), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong được 74 phiếu tín nhiệm cao (hơn 70%).
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ: "Kết quả phiếu tín nhiệm là sự động viên, ghi nhận của ĐB. Việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cán bộ nỗ lực nhiều hơn để đáp lại lòng tin đó".
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, TP có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất. Thời gian trước, bình quân 1 vụ án hình sự/tháng là hệ quả của hoạt động trên thì nay khoảng 4 vụ/tháng. Năm 2018 có 3 vụ giết người mà nguyên nhân là thu hồi nợ không được.
Bình luận (0)