Tháng 7-2016, UBND huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện bán đấu giá QSDĐ đối với 86 lô đất (tổng giá khởi điểm là 16,9 tỉ đồng).
Ngày 11-11-2016, sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH MTV Đấu giá Đại Phát (Công ty Đại Phát) tổ chức đấu giá QSDĐ đối với 86 lô đất nói trên. Kết quả, 41 lô đấu giá thành công (thu hơn 10,7 tỉ đồng). Trong đó, chỉ 4 lô có giá cao hơn giá khởi điểm, 37 lô bằng mức giá khởi điểm. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, các biên bản đấu giá có nội dung cơ bản giống nhau, thời gian một cuộc đấu giá chỉ 5-10 phút, diễn biến đấu giá được ghi lại sơ sài.
Công trình sân vận động huyện Chư Pứh chưa hoàn thành nhưng đã được thanh toán 100% giá trị thi công
Ông Trương Thái Tú Lam, Giám đốc Công ty Đại Phát và bà Võ Thị Hồng Nga (thư ký đấu giá, người ghi biên bản) cùng ông Trần Trọng Long, Trưởng Phòng TN-MT huyện Đức Cơ, thừa nhận có các sai sót, như: Không thể hiện việc đấu giá viên (ĐGV) yêu cầu người tham gia đấu giá tài sản bắt đầu từ khi nào; không thể hiện việc ĐGV yêu cầu người tham gia đấu giá tài sản trả giá tiếp theo; nhiều tình tiết không ghi vào biên bản... Đặc biệt, ĐGV hỏi những người tham gia đấu giá ai đồng ý mua với giá khởi điểm thì chỉ có một người giơ tay và là người trúng đấu giá.
Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận việc ĐGV yêu cầu những người tham gia đấu giá trả giá đầu tiên bắt đầu từ giá khởi điểm trong khi người tham gia đấu giá đã phải tuân thủ điều kiện "chấp thuận giá khởi điểm" theo quy định là không phù hợp quy định. Những người tham gia đấu giá chỉ đồng ý với giá khởi điểm nhưng khi nêu bước giá tiếp theo thì không ai trả giá. Việc xử lý tình huống như vậy là vi phạm nguyên tắc bán đấu giá.
Cũng theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, trong ban giám sát đấu giá có nhiều cán bộ của huyện Đức Cơ, như ông Nguyễn Xuân Tứ, Chánh Văn phòng HĐND-UBND; ông Võ Sĩ Bình, Chánh Thanh tra huyện; ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng… nhưng không hoàn thành trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc bán đấu giá tài sản, hậu quả làm thất thu ngân sách. Tuy nhiên, khó xác định cụ thể số tiền thất thu. Do người trúng đấu giá đã ổn định đời sống nên Thanh tra tỉnh Gia Lai không kiến nghị hủy kết quả đấu giá mà chỉ kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trực tiếp.
Công trình sân vận động huyện Chư Pứh được phê duyệt với số vốn 5,5 tỉ đồng từ ngân sách trung ương năm 2015; công trình đường vào khu dân cư phía Đông, phía Tây thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pứh) có tổng số vốn đầu tư hơn 16,1 tỉ đồng từ ngân sách trung ương năm 2015-2016, đều do UBND huyện Chư Pứh làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý (BQL) Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện đại diện chủ đầu tư thực hiện. Cả 2 công trình đều được nghiệm thu khống, thanh toán giá trị xây dựng vượt giá trị thi công. Công trình sân vận động do Công ty CP Toàn Thịnh Phát Đắk Nông thi công, chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư vẫn lập giấy đề nghị thanh toán gần 2,8 tỉ đồng, bằng 100% khối lượng thi công, vượt thực tế gần 1,9 tỉ đồng.
Công trình đường vào khu dân cư do Công ty TNHH MTV Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Huy thi công. Trong quá trình thi công, BQL "hào phóng" ký 4 biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình và thanh toán hơn 9,95 tỉ/10,1 tỉ đồng là thừa khối lượng thi công, thanh toán sai khối lượng, sai đơn giá… hơn 773 triệu đồng.
Đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND huyện
Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định hành vi thanh toán giá trị vượt khối lượng công việc nêu trên là vi phạm Nghị định 59/2015/CP. Từ đó, kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND huyện Chư Pứh trong giai đoạn thực hiện dự án vì để BQL và nhà thầu lập hồ sơ thanh toán giá trị khối lượng xây dựng vượt khối lượng thi công với tổng số tiền hơn 2,9 tỉ đồng.
Bình luận (0)