Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh này.
Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố một số bị can khác với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ; tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; tội Đưa hối lộ.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí vừa bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an
Liên quan đến việc chấp hành pháp luật trong cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang, mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm trong giai đoạn 2015 - 2020.
Theo TTCP, quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và việc cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang còn một số hạn chế, vi phạm, dẫn đến số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước đã xác định được là hơn 2,6 tỉ đồng. Ngoài ra, số tiền thuế, phí chưa nộp của 1 tổ chức cần thu nộp ngay vào ngân sách nhà nước là hơn 981 triệu đồng.
Cơ quan thanh tra chỉ rõ giai đoạn từ đầu 1-7-2011 đến 31-12-2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản là không đúng quy định tại Nghị định 15/2012/NĐ-CP và Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ sau ngày 1-7-2011, UBND tỉnh An Giang thực hiện gia hạn đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước ngày 1-7-2011 là không đúng quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010. Cấp 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng không xác định phục vụ riêng cho các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch hoạ, công trình hạ tầng giao thông và công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới là không đúng quy định của Chính phủ.
Đáng chú ý, UBND tỉnh An Giang không thu tiền cấp quyền khai thác cát đối với 2 trường hợp gia hạn khai thác cát là không đúng quy định hiện hành về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tổng số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 2,6 tỉ đồng.
TTCP phát hiện cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không thực hiện việc kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sông đã cấp phép, không có biện pháp đảm bảo giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hàng năm tại các mỏ được cấp phép.
Cục Thuế và Sở TN-MT tỉnh An Giang không phối hợp thực hiện đối chiếu khối lượng cát khai thác của tổ chức được cấp phép khai thác cát giai đoạn 2015 - 2020 là không đúng quy định trong việc quản lý hoạt động khai thác tài nguyên. Có trường hợp doanh nghiệp khai thác cát kê khai nộp thuế với cơ quan thuế không đúng khối lượng cát thực tế đã báo cáo với Sở TN-MT.
Các đơn vị được cấp phép khai thác cát thuộc dự án "Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu" khai thác chậm tiến độ, công suất đạt thấp so với giấy phép xác định.
Trong đó, có 1 tổ chức được cấp phép khai thác với diện tích nhỏ hơn nhiều so với diện tích được Bộ TN-MT phê duyệt tại dự án, không đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu của dự án nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không có biện pháp kiểm tra, đôn đốc hoặc xử lý theo quy định.
Đến thời điểm thanh tra (tháng 6-2022), Hợp tác xã khai thác cát Chợ Mới còn nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường với số tiền hơn 981 triệu đồng nhưng Cục Thuế tỉnh An Giang chưa có biện pháp xử lý cương quyết để thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, "nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do hiểu và áp dụng quy định pháp luật trong một số trường hợp chưa đầy đủ, chính xác, do công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát còn có mặt yếu kém"- kết luận thanh tra nêu rõ.
Cơ quan thanh tra kết luận, trách nhiệm đối với các hạn chế, vi phạm nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN-MT giai đoạn 2011 - 2020 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Từ những tồn tại, vi phạm nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch khai thác cát và khoanh định lại khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác cát để thực hiện việc lựa chọn hoặc tổ chức đấu giá theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, thu hồi các giấy phép khai thác cát đã cấp mới sau ngày 1-7-2011 và các giấy phép được cấp từ trước ngày 1-7-2011 nhưng được gia hạn sau ngày 1-7-2011 còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ các giấy phép được cấp thông qua đấu giá) mà không chỉ định cung cấp phục vụ cho các công trình theo quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
"Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi công bố kết luận thanh tra, nếu chưa hoàn thành việc thu hồi, điều chỉnh đối với các giấy phép khai thác cát đã cấp và gia hạn còn hiệu lực hoạt động như nêu trên thì TTCP sẽ chuyển thông tin để Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật"- thông báo kết luận thanh tra nêu rõ.
TTCP cũng kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ trữ lượng cát và khối lượng cát khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để đối chiếu xác định khối lượng cát khai thác thực tế phải kê khai nộp thuế, phí theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát tình hình khai thác cát và nạo vét bùn sét đối với Công ty TNHH MTV MT Vạn Hưng Tùng và Công ty cổ phần ĐTXDTM Tấn Thắng tại các khu vực thuộc Dự án "Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu". Trường hợp doanh nghiệp không có năng lực để triển khai theo đúng công suất và tiến độ dự án được duyệt thì xem xét việc thu hồi giấy phép khai thác.
Bình luận (0)