Nguồn cung xăng dầu tiếp tục là vấn đề "nóng", dù Bộ Công Thương đã khẳng định "cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu". Ngày 11-10, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết vừa có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tháo gỡ khó khăn cho các DN bán lẻ xăng dầu.
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều nội dung
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME, DN bán lẻ xăng dầu kiến nghị một số vấn đề như các DN đầu mối, thương nhân phân phối phải chia sẻ chi phí kinh doanh bán lẻ (hiện chưa quy định cụ thể những chi phí bán lẻ phải chi trả trực tiếp cho đại lý bán lẻ mà tính chung trong tổng chi phí lưu thông).
Cùng đó, đề nghị Liên bộ Công Thương - Tài chính xem xét tính đủ chi phí kinh doanh định mức cho chuỗi cung ứng xăng dầu, từ khâu tạo nguồn của DN đầu mối đến khâu bán lẻ của các đại lý. Riêng chi phí cho khâu bán lẻ xăng dầu DN đề nghị tách riêng, xác định tỉ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Ông Nam dẫn ý kiến của các DN bán lẻ xăng dầu cho biết hiện mức chi phí bán lẻ chưa tính đến lợi nhuận là từ 700-800 đồng/lít, phụ thuộc sản lượng và các điều kiện kinh doanh khác như sản lượng, vị trí địa lý vùng sâu, vùng xa. Do đó, các DN đề nghị chi phí bán lẻ tối thiểu tại đại lý bán lẻ xăng dầu phải ở mức 1.200-1.400 đồng/lít trong công thức tính giá cơ sở hiện nay, với điều kiện đầu mối giao hàng tại cửa hàng.
Các DN bán lẻ xăng dầu cũng đề cập quy định tổng đại lý, đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn là không còn phù hợp. DN cũng kiến nghị thực hiện thời gian điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định các ngày mùng 1, 11 và 21 hằng tháng. Tạm thời không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ vì điều này sẽ tạo độ trễ gây ảnh hưởng tới thị trường và hiệu quả điều hành thị trường xăng dầu.
Trong một diễn biến khác, Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc mời lãnh đạo các DN đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu ngày 12-10 dự họp bàn các giải pháp bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước. Cuộc họp dự kiến có đại diện Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, chủ trì là lãnh đạo Bộ Công Thương.
Theo Bộ Công Thương, lượng tồn kho của một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tồn kho đến ngày 8-10 khoảng 208.000 m3 xăng và 280.000 m3 dầu; Tổng Công ty Dầu Việt Nam khoảng 230.000 m3; Công ty Xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000 m3; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM khoảng 11.000 m3; Công ty Dầu khí Đồng Tháp khoảng 45.000 m3...
Một cây xăng tại quận 10, TP HCM phải giăng dây phân luồng để phục vụ khách vào chiều 11-10Ảnh: Quỳnh Trâm
Nhìn thẳng vào bất cập
Nguồn cung xăng dầu có "cơ bản đáp ứng đủ" như thông tin Bộ Công Thương phát đi trước đó hay không? Nhiều ý kiến vẫn cho rằng nguồn cung xăng dầu có vấn đề.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng thị trường xăng dầu trong nước bất ổn thời gian qua cho thấy công tác điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước bộc lộ bất cập, trong đó có vai trò của Liên bộ Công Thương - Tài chính. Liên bộ cần nhìn thẳng vào bất cập đó, không nên né tránh trách nhiệm, "đẩy qua đẩy lại" giữa hai cơ quan như vừa rồi. Mục tiêu cuối cùng trong công tác quản lý Nhà nước của 2 bộ này là để thị trường vận hành ổn định, bảo đảm nguồn cung.
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng điều tiết thị trường, kiểm soát giá cả mặt hàng quan trọng như xăng dầu là cần thiết, nhưng nếu quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành giá có thể gây thiệt hại cho các DN đang tham gia vào hệ thống kinh doanh xăng dầu, trong đó có các DN bán lẻ.
Ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho biết việc xăng dầu khan hiếm mấy ngày qua là trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trong việc bảo đảm cung ứng xăng dầu, bình ổn thị trường.
Ông Thống đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng phải đặc biệt chú trọng công tác dự báo thị trường và các giải pháp để tránh tình trạng tương tự xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Xăng dầu tăng giá
Theo quyết định của Liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 11-10, xăng E5RON92 tăng 560 đồng/lít, giá bán 21.292 đồng/lít; xăng RON95 tăng 564 đồng/lít, giá bán 22.007 đồng/lít. Dầu diesel tăng 1.979 đồng/lít, giá bán 24.187 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.132 đồng/lít, giá bán 22.820 đồng/lít; dầu mazut giữ nguyên giá 14.094 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95: 400 đồng/lít, dầu mazut: 708 đồng/kg; đồng thời, chi sử dụng quỹ đối với dầu diesel: 200 đồng/lít.M.Chiến
Không để gián đoạn nguồn cung
UBND TP HCM vừa chỉ đạo khẩn, đề nghị Sở Công Thương yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý; các DN bán lẻ, đại lý và cửa hàng chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong thời gian vừa qua.
UBND TP HCM giao Sở Công Thương, Cục QLTT thành phố giám sát chặt việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ, bảo đảm không gián đoạn; các DN kinh doanh xăng dầu cam kết thực hiện nghiêm các quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố khi có tình huống phát sinh.
Trong ngày, tình trạng đông nghẹt người ở các cây xăng ở TP HCM vẫn diễn ra. Nhiều cây xăng không còn xăng để bán. Cục QLTT TP HCM tiếp tục kiểm tra các cây xăng trên địa bàn. Những cây xăng có dấu hiệu không bán xăng đều được kiểm tra bồn chứa xem còn xăng hay không. Thực tế cho thấy các bồn đã cạn, lượng xăng ít không thể bơm được để bán. Trong ngày, thành phố có 137/550 cửa hàng không còn xăng, các cửa hàng có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp. Các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng găm hàng hay bán không đúng giá niêm yết.
Lãnh đạo Tổng Công ty TM Xuất nhập khẩu Thanh Lễ cho biết DN này hiện có 21 hệ thống trực thuộc kinh doanh xăng dầu, với 200 đại lý từ Bình Dương lên tới Bình Phước, tất cả đều bảo đảm dự trữ và cung cấp xăng đầy đủ cho người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài một số điểm đóng cửa, tại Bình Dương có nhiều cây xăng mở bán nhưng có chỗ chỉ cho đổ 300.000 đồng/ ôtô và 30.000 đồng/xe máy. Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết là do tình hình nhập xăng dầu từ các thương nhân cung cấp xăng dầu có phần hạn chế. Bên cạnh đó, một số cửa hàng bán lẻ nhập hàng từ các thương nhân cung cấp ở ngoài tỉnh chưa đáp ứng kịp thời (do thứ bảy, chủ nhật nghỉ) nên xảy ra tình trạng đóng cửa hàng tạm thời để chờ nhập hàng hoặc còn bán nhưng chỉ bán dầu.
Một nguyên nhân nữa, trong số 447 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở tỉnh này thì có 17 cửa hàng đã đóng cửa từ rất lâu; 123 cửa hàng hết giấy đăng ký đủ điều kiện nhưng chưa xin phép hoạt động lại. Những cây xăng này đóng cửa từ trước khi biến động giá xăng nhưng nhiều người nhầm lẫn, nghĩ đóng cửa là do khan hiếm nguồn xăng hoặc cố tình găm hàng chờ tăng giá.
Với hơn 307 cửa hàng còn lại, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tại Bình Dương đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng với mức tiêu thụ xăng, dầu bình quân khoảng 1.500-2.000 m3/ngày. Tuy nhiên, để tránh tình trạng găm hàng chờ giá, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở Công Thương, Cục QLTT tỉnh tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cửa hàng cố tình găm hàng, chờ tăng giá bán.
Ph.Anh - Th.Nguyên - Ng.Hải
Bình luận (0)