Các băng nhóm buôn bán người bị bắt khai báo với công an đã bán trót lọt ít nhất 478 phụ nữ ở Tây Ninh ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc - PV) trong khoảng 10 năm qua. Số liệu này do thiếu tá Võ Tấn Dũng, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tệ nạn xã hội và buôn bán người thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, vừa cung cấp cho phóng viên Báo Người Lao Động.
Kinh tởm
Thông qua cán bộ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Tây Ninh, chúng tôi gặp được Nương (tên nhân vật đã được thay đổi). Nương là một trong những thôn nữ ở Tây Ninh bị lừa bán sang Trung Quốc, hứng chịu giày vò nhưng sau may mắn trốn thoát.
Nương kể 6 năm trước, cô làm nghề bán rau quả ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Một hôm, Nương được một phụ nữ cùng xóm rủ sang Trung Quốc ăn đám cưới con bà ta (cũng là bạn thân của Nương) rồi về trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, khi đến TP Nam Ninh (Trung Quốc), người phụ nữ này bất ngờ bán Nương cho nhóm buôn người khác rồi lẳng lặng bỏ đi. "Thời điểm đó gần Tết. Tuyết rơi rất nhiều. Tụi buôn người nói nếu không chấp nhận làm vợ đàn ông Trung Quốc thì chúng sẽ giết. Tôi rất sợ nên phải theo họ. Họ đưa tôi đến một vùng có rất nhiều mỏ than, cách xa thành phố. Tôi bị bán cho một gia đình Trung Quốc ở đó" - Nương nhớ lại.
Dù chuyện đã qua vài năm nhưng mỗi khi nhắc lại việc bị lừa bán thì Nương lại rùng mình sợ hãi
Nương nói nhà chồng nghèo, ăn uống kham khổ. Chồng cô hơn cô 4 tuổi, là công nhân mỏ than. Bốn giờ là anh ta đi làm đến tối mịt mới về. "Về đến nhà, anh ấy cũng không nói năng gì mà cứ ngồi im. Nhìn anh ấy ngáo ngáo, khờ khạo, lại bị mất một cái tai" - Nương kể. Ngủ chung phòng 5-6 đêm nhưng gã chồng khờ cứ nằm im re. Nương mừng thầm, nghĩ mình sẽ được yên thân cho đến khi có cơ hội bỏ trốn. Bất ngờ một đêm, người mẹ chồng xộc vào phòng ngủ, cởi sạch đồ của Nương, bắt cô phải quan hệ với chồng. Cô không chấp nhận thì bị bà ta đánh đập. Bị đánh, Nương nằm im, phó mặc mọi chuyện. Sau đó, mẹ chồng bắt đầu hướng dẫn cho chồng Nương cách quan hệ. Gã chồng ngốc của cô chậm chạp làm theo. Đêm đó, Nương mất đời con gái.
Dường như người mẹ chồng muốn Nương có bầu, sinh con nên những đêm sau, bà liên tiếp đến phòng ngủ yêu cầu Nương quan hệ với con bà. Có đến 5-6 lần bà ta trực tiếp đứng giám sát quá trình quan hệ của vợ chồng Nương. Chỉ cần Nương từ chối quan hệ, bà sẽ đánh.
Một hôm tình cờ, Nương phát hiện bên nhà hàng xóm cũng có một nàng dâu Việt. Nhờ người này chỉ đường, hỗ trợ, Nương đã trốn thoát về Việt Nam sau 4 tháng sống cảnh "ngục tù" tại Trung Quốc. Về tới Tây Ninh, Nương tố cáo sự việc đến công an, người phụ nữ lừa bán Nương bị bắt giữ.
198 thôn nữ chưa rõ số phận
Theo các chuyên gia, hiện ở Trung Quốc xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ. Để có vợ, nhiều người đàn ông Trung Quốc sẵn sàng chi tiền cho mạng lưới buôn người săn tìm những thôn nữ tại Việt Nam và Tây Ninh cũng đang là điểm "nóng" được những kẻ buôn người lựa chọn.
Thiếu tá Võ Tấn Dũng thừa nhận nạn buôn bán người vẫn đang diễn biến phức tạp tại Tây Ninh dù công an đã triệt phá nhiều vụ án. Cụ thể từ năm 2007 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh đã giải cứu 306 nạn nhân, khởi tố điều tra 49 vụ án buôn bán người với 250 bị can. Trong đó, 198 phụ nữ bị bán sang tay, lòng vòng nên đến nay, công an không xác minh được họ làm gì, ở đâu, số phận ra sao. Hầu hết nạn nhân là các cô gái tuổi từ 18-30, trình độ thấp, gia cảnh khó khăn, sống ở những nơi hẻo lánh. Cũng theo thiếu tá Dũng, các nhóm buôn người thu lợi nhuận rất lớn. Thông thường, để mua được vợ, mỗi người đàn ông Trung Quốc chi từ 100-200 triệu đồng cho đối tượng buôn người.
Nhiều đối tượng buôn người dùng thủ đoạn lừa lọc như dụ dỗ sang Trung Quốc đi làm lương cao, đi du lịch ngắn ngày. Nếu như trước đây, các đối tượng buôn người trực tiếp đưa nạn nhân từ Tây Ninh qua Trung Quốc thì nay họ hoạt động tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác phá án. Cụ thể, thông qua mạng Zalo, Facebook, đối tượng buôn người có được hình nạn nhân rồi gửi cho đàn ông Trung Quốc xem, chọn. Sau đó, đối tượng buôn người sẽ dụ dỗ nạn nhân (là những thôn nữ được chọn) và đưa họ vào tròng.
Tự an ủi và cảnh báo!
Hàng chục nạn nhân của các băng nhóm buôn bán người tại Tây Ninh đã liên kết và tạo thành các nhóm Tự Lực - mô hình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) kết hợp sáng lập. K.A, một thành viên thuộc nhóm Tự Lực, chia sẻ: "Tụi em an ủi nhau. Tụi em còn đến các vùng hẻo lánh gặp các em gái để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm để các em không bị bọn buôn người lừa lọc".
Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cho biết thành viên của nhóm Tự Lực còn là cánh tay nối dài giúp công an tiếp cận, khuyên nhủ các nạn nhân khác để họ dũng cảm đứng ra tố cáo các đối tượng buôn người, giúp công an triệt phá các vụ án.
Bình luận (0)