Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội ĐINH TIẾN DŨNG:
Hiện thực hóa 5 định hướng lớn
Mục tiêu của Thành ủy Hà Nội trong năm 2022 là tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; nhất là hiện thực hóa 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 10 chương trình công tác toàn khóa, cũng như 2 nghị quyết chuyên đề và các nghị quyết, chỉ thị quan trọng khác.
Để thành công trên các lĩnh vực năm 2022, vẫn phải gắn với thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp bảo đảm cân đối lớn; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ, thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm cũng rất quan trọng.
Hà Nội sẽ triển khai các chủ trương, dự án lớn như: Đầu tư đường Vành đai 4; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM PHAN VĂN MÃI:
Quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP HCM đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong thời gian gần đây. Kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện cần, điều kiện tiên quyết để TP HCM tập trung phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và tạo đà cho những năm sau.
Năm 2022, TP HCM đặt ra 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6% - 6,5%. Để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng -6,78% năm 2021 có thể đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6% - 6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức lớn đối với thành phố. Việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng từ 6% - 6,5% không chỉ thể hiện quyết tâm cao của thành phố, của lãnh đạo thành phố, mà nó như một lò xo đã nén khi bung ra sẽ bật lên. TP HCM sẽ thực hiện hệ thống các giải pháp, trong đó tập trung các ngành công nghiệp chủ lực, 9 ngành dịch vụ trọng tâm, cải thiện môi trường đầu tư, giải phóng năng lực của đầu tư tư nhân, giải phóng năng lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào mạnh thì hỗ trợ để phát triển, doanh nghiệp nào "bị thương" thì hỗ trợ cho phục hồi.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 thu hút đông đảo người dân TP HCM và du khách đến tham quan. Ảnh: ĐÔNG GIANG
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định HỒ QUỐC DŨNG:
Tập trung phát triển các dự án trọng điểm
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội và sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong tỉnh Bình Định. Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bình Định đang xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp như: tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh…; tập trung dự án Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, Khu Liên hợp gang thép và Bến cảng Long Sơn Phù Mỹ. Đây là 2 dự án trọng điểm quyết định cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Sắp tới, Bình Định sẽ triển khai tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn với chiều dài hơn 100 km. Cùng với tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và ở giữa là Quốc lộ 1A sẽ phá thế độc đạo, góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh rất nhiều.
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên PHẠM ĐẠI DƯƠNG:
Tạo việc làm, thu nhập cho người dân
Năm 2022, khi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn, để đẩy nhanh tiến trình phục hồi, hướng đến phát triển trong giai đoạn tới, Phú Yên sẽ ứng dụng khoa học và công nghệ, đưa công nghệ vào phục vụ đời sống, sản xuất - kinh doanh và quản trị xã hội. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược. Đồng thời, tăng cường đầu tư công, thu hút đầu tư ngoài xã hội nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, Phú Yên sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Đưa công nghệ vào nông nghiệp để công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm từ nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp tục khai thác tiềm năng kinh tế biển trên cơ sở tiếp cận những xu thế mới để Phú Yên phát triển nhanh và bền vững…
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng LÊ TRUNG CHINH:
Mọi thứ đã sẵn sàng
TP Đà Nẵng đã có kế hoạch phục hồi kinh tế trong năm 2022, trong đó có ưu tiên hỗ trợ cho các DN vượt khó để phát triển và chú trọng đẩy nhanh các công trình trọng điểm như: cảng Liên Chiểu, nâng cấp ga hành khách T1- sân bay Đà Nẵng, dự án khu du lịch Làng Vân… Những dự án, công trình này sẽ là kỳ vọng, là động lực để phát triển kinh tế TP Đà Nẵng.
TP Đà Nẵng cũng đã hoàn thành dự thảo về đề án lập Trung tâm Tài chính quy mô khu vực Đà Nẵng và xây dựng đề án khu phi thuế quan. Hy vọng 2 đề án này sẽ góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới. Hiện TP Đà Nẵng xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, thấp nhất là tăng từ 4% - 5%; thứ 2 là tăng từ 6% - 7% và cuối cùng là trên 7%.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam LÊ TRÍ THANH:
Cơ hội để ngành du lịch phục hồi
Năm 2022, Quảng Nam sẽ tiếp tục tích cực phòng chống dịch hiệu quả nhất nhưng phải bảo đảm các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Đây là lĩnh vực vừa giải quyết lao động vừa đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nên phải nỗ lực tối đa để bảo toàn các hoạt động sản xuất công nghiệp. Tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để DN chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước.
Trong lĩnh vực du lịch, năm 2022, Quảng Nam được chọn đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đó là tín hiệu tốt, là cơ hội để ngành du lịch tỉnh phục hồi. Ngoài ra, Quảng Nam sẽ phát triển hệ thống cảng biển nước sâu, phát triển sân bay Chu Lai, khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Nam Giang…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa NGUYỄN KHẮC TOÀN:
Bảo đảm an toàn, phục hồi kinh tế
Trong năm 2022, Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 với những giải pháp hiệu quả, linh hoạt hơn, mở rộng bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa... để kích thích tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa sẽ tập trung hoàn thiện các quy hoạch quan trọng của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thi công các dự án quan trọng đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế, lĩnh vực sản xuất theo hướng bền vững và thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương VÕ VĂN MINH:
Tạo nền tảng phát triển bền vững
Trong năm 2022, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 song song với nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng quy mô nền kinh tế... Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh các dự án xây dựng thành phố thông minh, nhất là triển khai có hiệu quả hơn nữa mô hình "Ba nhà", trong đó đẩy mạnh mối quan hệ với viện, trường, giúp địa phương xây dựng và thu hút đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trong giai đoạn tới. Đồng thời, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để Bình Dương luôn đổi mới, sáng tạo vì người dân, DN, tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu NGUYỄN VĂN THỌ:
Nâng cao đời sống người dân
Với khát vọng xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, từ nay đến năm 2030 sẽ phát triển các không gian kinh tế mới của tỉnh, các vùng phụ cận, lấy sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải làm trung tâm; mở rộng không gian phát triển công nghiệp - cảng biển - dịch vụ logistics ở khu vực phía Tây, thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp trên cơ sở xem xét toàn diện đồng bộ các yếu tố.
Tỉnh sẽ mở rộng không gian phát triển du lịch phía Đông Nam dọc tuyến đường ven biển và Quốc lộ 55. Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển vùng nông nghiệp, nông thôn phía Bắc. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, nâng cao sự phồn vinh - hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ TRẦN VIỆT TRƯỜNG:
Cán bộ, công chức phải gương mẫu, đi đầu
Đầu năm 2022, TP Cần Thơ đón nhận tin rất vui khi Quốc hội thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh và bền vững. TP Cần Thơ tin rằng nghị quyết này sẽ là điểm tựa mở ra thuận lợi, cơ hội lớn cho thành phố thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu cho một Việt Nam thịnh vượng, trong năm 2022, tôi mong rằng mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ cộng đồng; không hoang mang, dao động nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, bị động trước diễn biến mới về tình hình Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu PHẠM VĂN THIỀU:
Tập trung 5 lĩnh vực trụ cột
Bước sang năm 2022, để góp phần cho một Việt Nam thịnh vượng, Bạc Liêu sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực trụ cột của tỉnh, gồm: Nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các dự án năng lượng, mà quan trọng nhất là Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW; phục hồi lĩnh vực du lịch; thúc đẩy các lĩnh vực thương mại - dịch vụ - y tế - giáo dục chất lượng cao; phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh sẽ tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, ưu tiên cho giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công. Đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu lao động trong điều kiện dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An NGUYỄN VĂN ÚT:
Giữ chân lao động ở lại địa phương
Năm 2022, quan điểm của tỉnh Long An là hỗ trợ DN, người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh sẽ phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội.
Bên cạnh việc triển khai các gói hỗ trợ DN, người lao động, Long An rất quan tâm đến việc chăm lo, hỗ trợ công nhân khó khăn; thực hiện nhiều chính sách và tuyên truyền, vận động, giữ chân công nhân - lao động ở lại địa phương để tham gia sản xuất. Tỉnh xác định nhân lực lao động là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng thịnh vượng chung của cả nước.
Bình luận (0)