Điểm trường bản Đoòng thuộc Trường Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Trạch là một trong những ngôi trường khó khăn nhất ở xã biên giới Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Thầy giáo cắm bản
Nhìn từ xa, ngôi trường đơn sơ hiện ra giữa thung lũng tĩnh mịch. Điểm trường chia thành 3 phòng nhỏ, trong đó có 2 phòng học, phòng còn lại làm chỗ nghỉ cho các thầy giáo từ miền xuôi lên. Mỗi phòng học chỉ có 3 bộ bàn ghế và một tấm bảng.
Gần 12 giờ, thầy giáo Hoàng Văn Sáu (SN 1968, quê ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch), người phụ trách điểm trường bản Đoòng, vẫn còn nán lại chỉ học sinh cách giải bài tập môn toán.
Đã 8 năm rồi kể từ ngày thầy Sáu được phân công lên bản Đoòng công tác. Sau một quãng đường dài cách trở, đến nơi, thầy Sáu ngỡ ngàng khi thấy ngôi trường mình dạy học chỉ là một cái chòi tạm, không có cả bàn học. Thầy cùng dân bản phải cầm búa, cầm đinh, xin từng tấm ván góp rồi đóng từng chiếc bàn, ghế cho học trò.
Thầy Sáu gõ kẻng để gọi học sinh mình đến lớp
"Lúc ấy, tôi thấy nản quá vì buồn, nhớ gia đình, lại sống thui thủi một mình giữa nơi núi rừng lạnh lẽo. Thiếu ăn, thiếu mặc, không điện, không nhà vệ sinh... nên nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ đi. Nhưng sống với dân bản riết quen, ăn ngủ chung với dân bản họ rất quý mình, giao phó các con cho mình nên mình an tâm dạy chữ, không phụ lòng dân bản" - thầy Sáu tâm sự.
Thầy Sáu cho biết điểm trường được thành lập từ năm 2010, phân thành 3 khối lớp. Trong đó, khối lớp 3 chỉ đúng 3 học sinh, lớp 5 và lớp 7 mỗi khối chỉ có 4 em. Bản Đoòng chưa có điện lưới nên các thầy giáo "cắm bản" phải luôn linh hoạt thay đổi giờ giấc học tập để các em không bị ảnh hưởng.
Thầy Sáu không nhớ nổi mình đã bao lần đến bản làng vận động học sinh đi học và những kỷ niệm khi dựng lán giữa rừng dạy chữ. Năm 2013, một cơn bão lớn ập đến cuốn phăng điểm trường và nhà dân. Thầy Sáu dìu các học trò nhỏ trong mưa bão chạy vào trốn trong các hang núi. Bão tan, trở về trường, thầy xót xa khi thấy chỉ còn nền đất trống, sách vở của học sinh bị nước thấm ướt nhòe nhoẹt. Thầy và người dân dựng lại trường tạm để học sinh tiếp tục đến trường. Qua 8 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, điểm trường của bản vẫn chưa có nhà nội trú lẫn nhà vệ sinh cho giáo viên, nước sinh hoạt phải lấy từ các khe suối.
Khơi dậy ước mơ
Do bản nằm biệt lập với bên ngoài, các em không có điều kiện ra xã hội giao tiếp, hầu hết đều e ngại người lạ, tiếp thu bài vở khá chậm. Những ngày đầu thầy đến bản, trẻ em người Bru - Vân Kiều nhìn thầy với ánh mắt tròn xoe đầy lạ lẫm. Khi tiếp xúc thì rất nhút nhát, hỏi gì cũng không nói.
Cứ mỗi sáng, thầy gõ liền 3 hồi kẻng nhưng chẳng em nào chịu đến trường. Thế là thầy lại đến nhờ trưởng bản cùng mình đến từng nhà một vận động, khuyên nhủ các em. Mưa dầm thấm lâu, từ từ các em cũng chịu đến lớp học chữ.
"Việc dạy chữ của giáo viên nơi đây gặp muôn vàn khó khăn vì học sinh không hề qua học các lớp mầm non, căn bản nào. Khi nhận lớp, tôi cũng kiêm luôn dạy tiếng Kinh" - thầy Sáu nói.
Điểm trường bản Đoòng chỉ có 11 học sinh
Mỗi tháng, thầy Sáu dạy 22 ngày, 8 ngày còn lại thầy được về xuôi thăm vợ con. Phải đi bộ gần 2 giờ, qua các ngọn đồi và lội suối, thầy mới xuống trạm kiểm lâm - nơi gửi xe máy - rồi chạy xe về xuôi mua gạo muối, thức ăn, sách vở và đem lên cho cả học trò. Cách đây chừng 1 năm, thấy công tác giảng dạy quá khó khăn, vất vả nên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Trạch đã tăng cường thầy Trần Văn Linh cùng một thầy giáo khác lên cùng cắm bản để hỗ trợ thầy Sáu.
Giữa buổi trưa nắng oi bức, tiếng trẻ con vẫn ê a bên lớp học. Khuôn mặt của những đứa trẻ người Bru - Vân Kiều đen nhẻm, gầy guộc nhưng bù lại ánh mắt rất sáng khi nghe giảng bài.
Em Nguyễn Thị Con (SN 2003) đang học lớp 7 và có kết quả học tập rất khá trong số các học sinh người Bru - Vân Kiều. Buổi sáng lên lớp học, buổi trưa Con tranh thủ vào rừng kiếm bó củi khô phụ giúp gia đình. Chiều Con lại tới trường học, đến tối lại thắp đèn ôn bài. Dù điều kiện học hành thiếu thốn nhưng em hiếm khi bỏ học.
"Em mơ ước sau này lớn lên sẽ làm một cô giáo nên phải cố gắng học thật chăm chỉ, lắng nghe thầy cô giáo giảng bài" - Con mạnh dạn chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc kể rằng vì muốn tìm con chữ cho các em nên hơn 10 năm trước, ông đã băng rừng, lội suối đến UBND xã Tân Trạch gõ cửa xin được tìm thầy dưới xuôi lên dạy chữ. Năm 2007, lớp học được mở tại bản Đoòng nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì trận lũ kinh hoàng cuốn bay mất trường nên việc dạy học bị gián đoạn.
Mãi đến năm 2010, khi thực hiện chương trình mở lớp học xóa mù chữ cho các em vùng cao, Trường THPT Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Trạch đã cử thầy Hoàng Văn Sáu lên cắm bản. Từ đó đến nay, giữa đại ngàn xa xôi ấy, những thầy giáo với lòng yêu nghề ngày đêm cần mẫn gieo chữ cho những trẻ em nghèo nơi thâm sơn cùng cốc.
Bản làng đặc biệt bên kỳ quan Sơn Đoòng
Bản Đoòng là một bản làng nhỏ nằm giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nằm bên cạnh hang Én và kỳ quan Sơn Đoòng. Cuộc sống của dân bản biệt lập, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài cũng do đường đi cách trở.
Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc cho biết bản Đoòng được hình thành từ năm 1990. Ông là một trong 4 người đầu tiên di cư đến vùng đất này rồi dựng nhà lập bản. Đến nay, cả bản chỉ vỏn vẹn 10 hộ dân với hơn 42 nhân khẩu. Tất cả đều là anh em, họ hàng với nhau.
Kỳ tới: Một đời với học sinh khuyết tật
Bình luận (0)