Sống trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thầy Lê Đức Giảng nay đã 90 tuổi và vẫn khỏe khoắn, minh mẫn. Lật giở từng bức ảnh, trang sách cũ, thầy Giảng nhớ rõ tên các thế hệ học trò qua 3 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau ngày đất nước thống nhất.
Thầy Lê Đức Giảng nhớ lại những kỷ niệm với học trò qua các bức ảnh
Thương học trò như con
Sinh năm 1929, thầy Lê Đức Giảng là con út của quan tri phủ Lê Ðức Trinh (quê xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Tri phủ Lê Đức Trinh vốn thanh liêm, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhân sĩ yêu nước, làm Chủ tịch Mặt trận liên Việt tỉnh Bình Ðịnh. Sau khi học xong phổ thông, năm 1951, thầy Giảng tham gia kháng chiến và dạy học tại Trường Bổ túc công nông tỉnh Bình Ðịnh.
Năm 1955, thầy Giảng tập kết ra Bắc, giảng dạy ở Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Trong các trường học sinh miền Nam do thầy chủ nhiệm, khoảng một nửa học sinh có cha mẹ còn ở lại bên kia giới tuyến. Khi tiếp xúc, gần gũi và dạy dỗ các em, thầy Giảng có cảm giác như được sống trong tình cảm ruột thịt của những người thân trong gia đình. Bởi vậy, thầy thương yêu học sinh như con, cháu của mình.
"Ngày ấy, học sinh miền Nam gọi thầy giáo, cán bộ, nhân viên bằng 2 từ "cô, chú", còn chúng tôi gọi học sinh là "các cháu". Nhờ đó mà nỗi nhớ quê hương, gia đình ở miền Nam trong tôi cũng được nguôi ngoai" - thầy Giảng nhớ lại.
Sau 4 năm dạy cho học sinh miền Nam, năm 1959, thầy Lê Đức Giảng được cử đi học tại Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đến năm 1961, sau khi tốt nghiệp ĐH, thầy Giảng được phân công về dạy tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Tại đây, thầy dạy môn lịch sử các lớp 8 và 9 (hệ 10 năm) và làm chủ nhiệm lớp 9B. Lớp có 45 học sinh, do Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi ấy vừa làm lớp trưởng vừa làm bí thư chi đoàn.
"Không chỉ hiền lành, học giỏi, anh Trọng còn có khiếu nói năng lưu loát, thuyết phục và khiêm tốn. Dù nhỏ tuổi nhưng anh ấy được bạn bè trong lớp thương yêu, quý trọng. Hồi đó, do nhà xa nên mỗi khi trời mưa, anh Trọng thường ngủ lại đêm ở phòng trọ của tôi. Vì thế, tình cảm thầy trò theo đó ngày càng trở nên thắm thiết và giữ mãi đến tận hôm nay. Sau này, dù làm Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nhưng mỗi khi vào Bình Định công tác, anh Trọng đều tranh thủ ghé thăm tôi. Mỗi lần gặp anh Trọng, tôi như được sống lại thời dạy học cách đây 60 năm" - thầy Giảng nói về Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm vợ chồng thầy Lê Đức Giảng
Với học trò, phải "nghiêm" chứ không nên "khắc"
Đến năm 1964, thầy Lê Đức Giảng quay về tỉnh Quảng Nam tiếp tục dạy học ở vùng kháng chiến cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau giải phóng, thầy dạy học và làm Hiệu phó Trường CÐ Quy Nhơn; năm 1980 về làm Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Bình Ðịnh (nay là Trường CÐ Bình Ðịnh). Đến năm 1986, thầy nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, thầy Giảng vẫn tiếp tục cống hiến cho công tác khuyến học, khuyến tài tại khu phố 1, phường Ngô Mây - nơi ông sinh sống cho đến năm 2011. Suốt thời gian ấy, ông góp phần giúp khu phố đạt danh hiệu Khu phố khuyến học và trở thành điểm sáng trong công tác khuyến học, khuyến tài của TP Quy Nhơn. Hiện tại, dù không tham gia vào đoàn thể nào nhưng ông vẫn luôn quan tâm và theo dõi công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.
Liên tục 45 năm dạy học qua 3 thời kỳ, thầy giáo Lê Đức Giảng đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ học trò, trong số đó có rất nhiều người thành đạt. Họ đã tỏa đi khắp mọi vùng miền, góp sức mình xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Hiện không ít học trò đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Chính phủ ở trung ương.
Mới đây, vào tháng 5-2018, các cựu học sinh miền Nam tề tựu về TP Quy Nhơn tổ chức lễ mừng thọ 90 tuổi cho thầy Lê Đức Giảng. Ông giáo già mừng vui và xem đó là một trong những điều hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Những năm qua, trong số các học sinh cũ về với ông, đã có không ít người từng phản ứng trước cách quản lý học sinh, nhà trường của ông, giờ quay về bày tỏ với ông lòng biết ơn chân thành vì điều đó.
"Với học sinh, tôi luôn rất nghiêm nhưng không bao giờ khắc. Nghiêm là để rèn luyện cho học sinh đi vào nền nếp, kỷ cương; còn khắc là khi người thầy bực mình lên, như thế là không tốt. Ngoài ra, làm thầy phải biết yêu thương học sinh như con em mình. Có như thế, kết quả học tập của các em mới cao được" - thầy Giảng đúc kết kinh nghiệm dạy học.
Thầy giáo Lê Đức Giảng nhận định rằng dạy học bây giờ khác ngày xưa nhiều. Trước dạy nặng về kiến thức, bám sát giáo trình, còn giờ dạy làm sao cho học sinh có các kỹ năng và biết cách vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Thế nhưng, dù dạy học ở thời nào, theo cách nào thì người thầy phải luôn luôn thương yêu và tôn trọng học sinh. Thầy Lê Đức Giảng cho rằng thầy cô giáo mà quát mắng, đánh đập học sinh là sai lầm. Làm vậy chỉ khiến học sinh khiếp sợ và căm ghét chứ không nể phục mình.
Người đứng đầu ngành giáo dục phải làm gương
Khi bàn về thực trạng giáo dục nước nhà hiện nay, thầy giáo Lê Đức Giảng cho rằng với những vấn đề tiêu cực trong thi cử thời gian qua không phải là chuyện bất thường mà đã có từ thời bao cấp dù không nhiều. "Điều quan trọng là cách xử lý phải triệt để, rốt ráo. Người đứng đầu ngành giáo dục ở các cấp, các đơn vị phải trong sáng, làm gương và có giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa các tiêu cực, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và thực chất" - thầy Giảng nói.
Kỳ tới: Gieo chữ dưới cánh rừng
Bình luận (0)