xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hạnh phúc giữa dòng đời

HUẾ XUÂN

Chính những lúc gian khó mới thấy quý nghề mình đang theo đuổi. Báo chí là hơi thở của cuộc sống...

Năm 2013, trong một buổi trao thưởng tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM, lần đầu tiên tôi tận mắt thấy phóng viên tác nghiệp. Quyển sổ tay với nét chữ tốc ký, chiếc máy ảnh, ống kính dài, tiếng gõ phím liên tục và phong thái làm việc chuyên nghiệp của các phóng viên khiến tôi mê mẩn nghề viết báo.

Theo đuổi ước mơ

Từ lần gặp vô tình ấy, trong mắt tôi - cô học trò lớp 9 - lóe lên ước mơ mình sẽ trở thành phóng viên. Tôi bắt đầu dành nhiều thời gian để lên mạng tìm hiểu về nghề báo và những câu chuyện tác nghiệp của các anh chị phóng viên. Càng tìm hiểu, ước mơ làm nhà báo càng mãnh liệt.

Tôi bắt đầu từ việc viết tin cho các tờ báo học đường, tập tành ghi chép và học cách chụp ảnh sự kiện. Và rồi ngày đó cũng đến, tôi chính thức trở thành sinh viên khoa báo chí. Khi ấy tôi nhận nhiều lời khuyên, đại loại như: "Con gái không hợp làm nghề đó đâu", "Con gái kiếm việc gì nhẹ nhàng mà làm", "Con gái sao mà xông pha được"…

Tuy có nhiều người ngăn cản nhưng ba mẹ luôn truyền động lực cho tôi. Ba mẹ trở thành hậu phương vững chắc, bảo vệ tôi khỏi những lời bàn tán của hàng xóm khi tôi hay đi sớm về khuya. "Nghề này là thế, đã chọn nghề báo thì phải chấp nhận cảnh "lang thang", đã theo con đường viết chữ thì phải quyết tâm, ước mơ thì phải cố gắng thực hiện" - ba tôi khuyên nhủ.

Quả thật, nữ làm nghề báo có thể gặp khó khăn hơn nam nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để xông pha khắp "chiến trường". Bằng chứng là thời điểm đỉnh dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, đã có hàng trăm nữ phóng viên vào tuyến đầu để ghi lại những thước phim, tấm ảnh chân thật nhất. "Bơi" cả ngày trong bộ đồ bảo hộ PPE ướt đẫm mồ hôi, các cô phóng viên nhỏ nhắn vẫn nở nụ cười đầy lạc quan.

Với sự "lì đòn" của mình, tôi đã chứng minh cho mọi người thấy con gái vẫn có thể làm báo được. Ngày nhận nhuận bút đầu tiên, tôi hạnh phúc vô bờ. Một anh đồng nghiệp, cũng là người thầy hướng dẫn tôi những ngày bắt đầu với nghề, từng nói: "Đồng tiền kiếm được từ công việc mình yêu thích là đồng tiền chân chính và sẽ mang đến giá trị hạnh phúc cao nhất".

Tháng 6-2022, từ cộng tác viên, tôi trở thành phóng viên chính thức của Báo Người Lao Động - một cơ quan báo chí mà tôi hằng mơ ước. Là "em út" trong ngôi nhà chung Người Lao Động, cô phóng viên nhỏ tuổi đang từng bước hoàn thiện bản thân.

Hạnh phúc giữa dòng đời - Ảnh 1.

Phóng viên Huế Xuân trong một lần tác nghiệp ở tuyến đầu chống dịch Ảnh: DUYÊN PHAN

Trân quý nghề đã chọn

"Em ơi, chị về đến An Giang rồi, chị cảm ơn em nhiều lắm, bây giờ chờ cách ly ở trạm y tế đủ ngày thôi là chị có thể về nhà gặp gia đình" - chị Hồ Mộng Tý vừa gọi điện thoại cho tôi, giọng run run.

Cuộc gọi điện lúc nửa đêm của chị Tý khiến tôi xúc động. Một niềm hạnh phúc khó tả vì đã có phép mầu xuất hiện giúp mẹ con chị.

Đối với những người con xa quê mắc kẹt lại TP HCM những ngày giãn cách xã hội, khát khao được trở về quê nhà là điều duy nhất. Nhớ lại những ngày đau buồn vào tháng 10-2021, hình ảnh dòng người lũ lượt kéo về quê tràn ngập các trang báo.

Trong dòng người ấy, tôi bắt gặp mẹ con chị Tý đèo nhau trên chiếc xe đạp về An Giang. Chị Tý trở thành nhân vật chính trong bài viết "Những đôi dép mòn rong ruổi về quê" của tôi. Bài viết sau khi xuất bản được lan tỏa nhanh chóng. Các cấp chính quyền địa phương, nhà hảo tâm và các nhóm tình nguyện đã khẩn trương hỗ trợ đưa người dân về quê.

Biết rằng nguy hiểm nhưng tôi vẫn chấp nhận lao vào biển người để tác nghiệp. "Mẹ ơi, con có mẹ ở bên nhưng mọi người ngoài kia, họ không có ai cả, họ nhớ gia đình và muốn về quê hương" - tôi chia sẻ để mẹ hiểu rằng con gái mẹ đã trưởng thành.

Với tôi, thành công lớn nhất khi ấy là giúp lan tỏa sự đồng cảm giữa người với người, kêu gọi được nhiều sự hỗ trợ cho những người nghèo khó đang chống chọi vì dịch bệnh. Ngoài chị Tý, có hàng ngàn người được chính quyền địa phương hỗ trợ xe đưa về quê.

Chính những lúc gian khó mới thấy quý cái nghề mình đã và đang theo đuổi. Báo chí là hơi thở của cuộc sống, người làm báo đúng nghĩa cũng phải thấu hiểu, hòa mình với người dân.

Cuộc trò chuyện với chị Tý lúc nửa đêm chỉ vỏn vẹn 1 phút nhưng đó lại là cuộc gọi khiến tôi nhớ về những ngày sẽ không bao giờ quên trong đời làm báo. Những nhân vật như chị Tý là động lực để tôi nỗ lực cố gắng hơn mỗi ngày. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo