Đối với báo chí tại Việt Nam thì khẩn thiết hơn, bởi đã mất hơn chục năm chậm chân vì vốn quen với phương thức làm báo truyền thống, chẳng chịu thay đổi; nay nếu chậm thêm thì tình hình sẽ càng bi đát.
Trang Entrepreneur vừa đăng bài giới thiệu 7 xu thế CĐS năm 2022 trên thế giới, bao gồm: blockchain, data protection and security, hybrid place, artificial intelligence, automation, 5G, digital banking. Như vậy, với cả 7 xu thế này, báo chí đều ít nhiều liên quan; trong đó, công nghệ blockchain, bảo vệ và bảo mật dữ liệu, mô hình làm việc hỗn hợp, trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng 5G đều hòa nhịp với hoạt động báo chí thời số hóa.
Dù có liên quan "không hề nhẹ" như thế nhưng báo chí có thực hiện CĐS được hay không là câu chuyện khác. Có hai yếu tố chính yếu thôi thúc báo chí Việt Nam phải CĐS nhanh và sâu.
Một là, đa số cơ quan báo chí tại Việt Nam lâu nay đã gắn chặt với cách làm cũ, từ sản xuất nội dung, in và phát hành, chào bán quảng cáo, tương tác khách hàng. Khi trận cuồng phong số hóa ập tới và truyền thông mạng xã hội bùng nổ như vũ bão thì báo chí truyền thống không trở tay kịp, số phát hành báo in sụt giảm, mất dần độc giả, doanh thu quảng cáo tụt dốc...
Giữa lằn ranh sinh tử đó, phải tìm cho được giải pháp kìm hãm đà suy thoái, nếu không thì con đường đi đến cáo chung rất gần.
Hai là, công nghệ làm thay đổi rất cơ bản thói quen và cách thức tiếp cận tin tức của bạn đọc cũng như quyết định chi tiền đăng quảng cáo hay bài PR của khách hàng. Những thiết bị di động đời mới như máy tính bảng, điện thoại thông minh, đồng hồ đeo tay… thay nhau ra đời, ngày càng hiện đại hơn và thông thái hơn; các nền tảng đăng phát tin tức như YouTube, Facebook, TikTok, Zalo… cũng vào cuộc đua bất tận về tối ưu hóa tính năng cung cấp nội dung. Nhờ vậy, người dùng (user) chưa cần phải truy cập trực tiếp các website hay mở app mà tin tức và đường link đã ào ào "đập vào mắt" rồi. Còn đối với các doanh nghiệp, khách hàng mua quảng cáo hay đặt bài PR, họ thừa hiểu báo số đang lên ngôi ra sao, mức độ lan tỏa và tiện dụng đến mức nào để đưa ra quyết định chính xác: chi bao nhiêu là đúng, đăng trên loại hình báo nào thì hiệu quả hơn; chứ không còn nhắm mắt rót tiền cho chỉ một loại hình báo chí nữa. Cái cảnh khách hàng tìm đến tòa soạn, xếp hàng chờ tới lượt để đóng tiền đăng ký trang quảng cáo sẽ hoàn toàn biến mất!
Chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi giàu tiện ích hơn nữa dành cho người dùng. Thế thì báo chí lẽ nào đứng ngoài lề, không lao vào guồng CĐS?!
Theo quan sát, đại đa số các tòa soạn báo hiện nay gặp lúng túng trong thực hiện CĐS, không biết bắt đầu từ đâu, làm những gì; hoặc cũng có thể đang hiểu sai về CĐS. Chìa khóa của CĐS tất nhiên là công nghệ, muốn công nghệ thì phải có tiền, song tiền thật nhiều chưa phải là tất cả - nếu không có chiến lược đúng.
Ngoài tài chính thì hai yếu tố trước hết các lãnh đạo cơ quan báo chí phải có, đó là quyết tâm thật cao và thay đổi tư duy. Và tư duy của CĐS chính là: Digital first.
Digital first không chỉ được hiểu là ưu tiên trước hết cho nền tảng số, mà nghĩ rộng ra còn hàm nghĩa là: "Readers first" - tất cả vì bạn đọc!
Bình luận (0)