Sợ thật! Thời vua chúa đã lùi xa tự thuở nào mà bây giờ những danh xưng sặc mùi phong kiến lại trỗi dậy, trong khi kho tàng tiếng Việt không hề thiếu từ ngữ vừa đúng vừa hay dùng thay thế. Đã vậy lại còn kém hiểu biết khi sử dụng danh xưng "á hoàng" không hề có trong hệ thống danh vị phong kiến.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), vừa chính thức lên tiếng xung quanh chuyện về các danh hiệu "nữ hoàng" thời gian qua. Theo đó, cơ quan chuyên môn thuộc bộ chưa hề cấp phép cho cuộc thi nào có danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh"; đề nghị các địa phương không để tiếp tục xảy ra những vụ việc và danh xưng tự phong tùy tiện như vậy.
Tình trạng danh xưng tùy tiện mà Bộ VH-TT-DL nêu chẳng phải mới. Nó nổi lên từ hàng chục năm qua, khởi phát từ thói háo danh.
Thật vậy, trong nhiều lĩnh vực, nhìn đâu cũng thấy những danh hiệu rổn rảng. Âm nhạc thì có "ông hoàng nhạc trẻ", "bà hoàng boléro"; thế giới người mẫu thì lại có "ông trùm chân dài"; màn bạc thì có "nữ hoàng điện ảnh"; khởi nghiệp thì có "shark" ("cá mập"); nhà báo thì phải "quốc tế" mới chịu! Tâm lý ưa nổi bật, khoái khổng lồ khiến người ta thích những cái mác như "kỷ lục", "siêu khủng", "đỉnh cao", "vượt trội", "triệu view", "ngàn like", "siêu cúp"... Vì được hưởng ứng nên nó tồn tại, vì người ta thích nên nó được biến thành công cụ kiếm tiền. Và có bên mua thì ắt có người bán, muốn danh hiệu nào cũng có, thế là những cuộc thi thố, bình chọn, tôn vinh nối nhau ra đời. Từ chỗ cao quý ban đầu, sau khi nhuốm màu kim tiền đã trở thành "chợ danh hiệu", nhố nhăng và rởm đời.
Háo danh là thói xấu của một bộ phận người Việt, đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa như Nguyễn Văn Huyên, Trần Ngọc Thêm, Vương Trí Nhàn… đúc kết, chỉ ra. Học giả Đào Duy Anh nhận xét thẳng thắn về người Việt: "Hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh". Thói tật này gây hệ lụy không nhỏ, bởi khi các hệ giá trị được đánh giá sai thì dẫn tới nhiều hậu quả khó lường, đó là: bệnh thành tích, bệnh lười nhác, sính bằng cấp, ảo tưởng và vĩ cuồng. Nó cũng chính là nguồn cơn của nạn bổ nhiệm "nhầm ghế" hay tình trạng mua quan bán chức. Khi sự gian dối được che đậy quá lâu và các giá trị hư ảo vẫn được công nhận và sùng bái thì xã hội không thể nào lành mạnh.
Thói háo danh chính là đất sống của những danh hiệu "nổ", rỗng tuếch. Ông bà ta đã dạy "Y phục xứng kỳ đức". Lời răn chí lý này cũng là một cách phê phán nhưng bây giờ, thói háo danh đã là bệnh trầm kha của không ít người, nếu chỉ khuyên bảo suông thì chẳng thể nào đẩy lùi được nó, mà cần đến những biện pháp cụ thể, cứng rắn. Nói rõ hơn, các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay dẹp bỏ những cuộc thi và những chương trình tôn vinh với nhiều danh xưng tùy tiện, vô bổ như đã thấy!
Bình luận (0)