Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP HCM) nhiều năm qua là nơi nương tựa ấm áp, vững vàng của các cụ già neo đơn.
Nhóm tác giả chụp cùng nhân viên Nguyễn Hồng Ngọc
"Chăm sóc các cụ như mẹ của mình"
Một ngày đầu hạ, nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM chúng tôi lại hẹn nhau đến thăm các cụ ông cụ bà ở Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp. Tại đây, các cụ được nhân viên mái ấm và Phật tử chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, tại đây có một căn phòng tựa "phòng gym thu nhỏ" - với đầy đủ trang thiết bị để tăng cường sức khỏe cho các cụ. Không gian sinh hoạt riêng của các cụ là những chiếc giường đơn, có tủ đựng tư trang. Những ai đi lại khó khăn được hỗ trợ tận tình.
Các cô chú, anh chị nhân viên tại mái ấm chia sẻ tâm nguyện của họ là luôn "chăm sóc các cụ như cha mẹ của mình". Cô Nhuận Hoa là một trong những người gắn bó với mái ấm từ ngày đầu thành lập, khi nhân sự, cơ sở vật chất đều còn thiếu thốn. "Tài sản" cô tích lũy là biết bao kỷ niệm quý giá. Cô nhớ như in mỗi cụ có một đặc điểm riêng: "Có cụ trở nên hồn nhiên như trẻ nhỏ, có cụ thì hay chọc, hay la, có cụ thì không còn nhận biết được những thứ xung quanh... Mình lúc nào cũng đón nhận, cũng gần gũi các cụ như người thân trong gia đình, như chăm em bé, ai cũng dễ thương và cần được nuông chiều".
Mái ấm không chỉ được thắp lửa yêu thương bởi các nhân viên, các Phật tử trung và cao niên mà còn có đóng góp của các gương mặt trẻ. Nhân viên Tâm lý và Truyền thông Nguyễn Hồng Ngọc là một trong số đó. Năm nay 27 tuổi, Ngọc đã gắn bó với mái ấm 4 năm. Bạn trẻ này khẳng định: "Không thể làm việc ở mái ấm vì tiền được". Ban đầu, Ngọc biết đến mái ấm qua một kỳ thực tập rồi thương quý các cụ nên đồng hành bền bỉ đến nay.
Cụ Hợi thoải mái tâm tình với các bạn trẻ như con cháu của mình
Trao yêu thương, nhận hạnh phúc
34 cụ già ở mái ấm có 34 hoàn cảnh khác nhau. Mỗi câu chuyện đều chất chứa niềm riêng đau đáu. Nhưng điều khiến chúng tôi cảm phục chính là thái độ sống lạc quan, tâm thế nhẹ nhàng, đầy bao dung và biết ơn cuộc đời của các cụ. Ai cũng cảm thấy bản thân hạnh phúc khi hội ngộ, sống cùng những người bạn nơi đây.
Cụ Nguyệt lan tỏa cho các bạn trẻ thật nhiều năng lượng an lành, ấm áp
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt kết nối mọi người là tình yêu thương. Được tỉ tê tâm sự cùng các cụ với chúng tôi là niềm vui lớn. Ngồi nắn nót viết từng câu kinh Phật, cụ Nguyễn Thị Hợi (76 tuổi) ôn tồn nói: "Được đến đây sống là điều may mắn. Từ cái ăn cái mặc, sức khỏe của mình được chăm lo, thương lắm". Cụ Nguyễn Thị Nguyệt (79 tuổi) thấy lòng an yên khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhân viên mái ấm, của những cụ già cùng cảnh ngộ và các Phật tử tình nguyện viên. Cụ xem đó là một phước phần để thôi lo nghĩ và ngày ngày nguyện cầu bình an cho nhân gian. Chúng tôi có cơ hội vào bếp, góp sức thực hiện bữa trưa. Các cô đầu bếp tận tình chỉ dạy "bọn trẻ" cắt từng củ cà rốt, lặt rau... và bộc bạch thật nhiều tình cảm trân trọng và quý mến, những niềm hy vọng dành cho mái ấm. Ai bảo gen Z chỉ mê đắm công nghệ, trào lưu mà ít kiên nhẫn. Chuyến đi này giúp chúng tôi nhận ra những khía cạnh trong trẻo, nhiệt tình, đáng mến của bạn bè mình, khi cùng nhau tỉ mỉ chuẩn bị từ khâu sơ chế thức ăn cho đến lúc ân cần, lễ phép phục vụ các cụ thưởng thức.
Mái ấm là nơi những tâm hồn từng rạn vỡ cùng sưởi ấm nhau. Được nhìn thấy các cụ còn khỏe mạnh, minh mẫn và sự kiên nhẫn, cẩn thận của các nhân viên, tình nguyện viên khi chăm từng muỗng cơm, muỗng cháo cho các cụ, chúng tôi rất xúc động. Mỗi khi đến với Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp, chúng tôi lại được nhận bài học quý giá về tình người, về lẽ sống cao đẹp, để biết yêu thương và quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn.
Bình luận (0)