Phóng viên: Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đánh giá sẽ tạo cơ chế giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của vùng, nhất là vấn đề liên kết vùng, thưa ông?
- TS TRẦN DU LỊCH: Trong quá trình triển khai Nghị quyết 53/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, nổi lên vấn đề liên kết vùng còn yếu, chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng tinh thần nghị quyết. Đại dịch COVID-19 bùng phát 2 năm qua càng bộc lộ rõ sự lỏng lẻo trong liên kết kinh tế, lao động toàn vùng; có tình trạng mạnh địa phương nào thì địa phương đó làm.
Tổng kết những hạn chế, tồn tại của vùng Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị nêu rõ nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ. Thể chế liên kết vùng không đồng bộ; kém hiệu quả, hiệu lực; chất lượng quy hoạch không cao, xung đột, chồng chéo...
Nghị quyết 24/2022 mở ra cơ chế để tổ chức liên kết quy hoạch, phân bổ lực lượng sản xuất toàn vùng thay vì làm lẻ mẻ ở từng địa phương. Trong đó, xác định cụ thể vị trí xây dựng cảng, khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ... trong tổng thể vùng; công khai quy hoạch nhằm tránh tình trạng các địa phương cạnh tranh làm suy yếu lẫn nhau dựa trên lợi ích cục bộ. Bên cạnh đó là đẩy mạnh liên kết hạ tầng giao thông - một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy liên kết kinh tế.
Quan trọng không kém là phát triển thị trường lao động chung cho toàn vùng nhằm hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng như đã xảy ra trong dịch COVID-19. Tương tự, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, cần cơ chế liên kết trong phạm vi vùng để phát huy, tận dụng hiệu quả chương trình đào tạo bài bản cùng lực lượng khoa học - kỹ thuật đứng thứ 2 cả nước của ĐHQG TP HCM. Đồng thời, một cơ chế bảo vệ môi trường chung của vùng,
gồm các địa phương đều nằm chung trên lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, cũng cần được kích hoạt sớm.
Theo ông, TP HCM với vai trò đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước đã phát huy hết lợi thế, tiềm năng để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của vùng chưa?
- Ngoài Nghị quyết 53/2005 của Bộ Chính trị cho toàn vùng, Trung ương dành riêng cho TP HCM Nghị quyết 20/2002 và Nghị quyết 16/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM lần lượt đến năm 2010 và 2020. Những nghị quyết này đều đặt vấn đề hình thành một hệ thống thể chế nhằm tạo động lực cho TP HCM và
toàn vùng phát triển vượt trội nhưng triển khai trên thực tế chưa đủ "đô".
Đầu những năm 2000, khi còn làm Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM (nay là Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM), tôi từng đề xuất hình thành một tứ giác kinh tế gồm TP HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tầm nhìn trở thành vùng phát triển của khu vực Đông Nam Á trong vòng 10-20 năm. Tiếc rằng do thiếu chính sách, nguồn lực đầu tư phải chia sẻ cho nhiều nơi nên khu vực này chưa phát triển như kỳ vọng.
Một điểm hạn chế lớn cần nhận diện là vùng Đông Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng chưa chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường tham gia chuỗi giá trị. Sản xuất công nghiệp cơ bản vẫn là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động rẻ.
Đông Nam Bộ là vùng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất nước nhưng liên kết giữa DN FDI với DN trong nước còn hạn chế.
Vùng Đông Nam Bộ xác định mục tiêu, phương hướng phát triển ra sao để tận dụng cơ chế từ Nghị quyết 24/2020 và hiện thực hóa mục tiêu đất nước hùng cường vào năm 2045 được đặt ra ở Đại hội lần thứ XIII của Đảng?
- Đến năm 2030, khi nước ta vượt qua giai đoạn thu nhập trung bình và phát triển theo hướng hiện đại, Đông Nam Bộ đặt mục tiêu trở thành vùng phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics, trung tâm tài chính quốc tế với trọng điểm là kinh tế số - động lực chủ đạo để rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa và phát triển.
Giai đoạn 2021-2030, vùng đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 8,5%/năm, cao hơn mức bình quân 6,5%-7%/năm của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2030 đạt 14.500 USD/người/năm, riêng TP HCM đạt ít nhất 18.000 USD/người/năm. Để đạt mục tiêu, vùng cần tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế theo hướng tham gia chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng song song với hội nhập quốc tế.
Với tầm nhìn năm 2045, Đông Nam Bộ hướng tới mục tiêu trở thành vùng phát triển với tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, là trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics, trung tâm tài chính quốc tế đi đầu khu vực và thế giới.
Với TP HCM, Nghị quyết 16/2012 đã xác định rõ thành phố phải phát triển ngang tầm những đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Singapore, Jakarta, Kuala Lumpur. Toàn vùng phải trở thành khu vực phát triển nhất cả nước vào năm 2045, ngang tầm khu vực, thế giới với "hạt nhân" và cực tăng trưởng quan trọng là TP HCM.
Để đạt được mục tiêu trên, TP HCM cần làm gì cụ thể, thưa ông?
- Nghị quyết 24/2022 cùng tinh thần của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế; nơi đi đầu về công nghệ cao, đô thị sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp; "từ giã" những ngành, lĩnh vực thâm hụt lao động.
Nghị quyết lần này cũng đưa ra một chủ trương quan trọng là cho phép xây dựng cảng trung chuyển quốc tế ở huyện Cần Giờ (TP HCM), hoạt động song song với cảng Cái Mép - Thị Vải; hoàn toàn không cạnh tranh với cảng trong nước. Tương tự, ở lĩnh vực hàng không, loạt dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) để giải quyết ùn tắc cần được thúc đẩy song song với dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với ý nghĩa bổ sung chứ không cạnh tranh lẫn nhau.
TP HCM phải tiếp tục phát triển Khu Công nghệ cao mới với định hướng trở thành nơi "sản xuất ra công nghệ cao" để ứng dụng cho toàn vùng và cả nước, không phải nơi "sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao".
Nhiệm vụ quan trọng khác là tập trung phát triển hạ tầng phía Đông TP HCM. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy... kết nối vùng, liên vùng, nhất là kết nối với Tây Nguyên và ĐBSCL, cần được quan tâm.
Phát triển kinh tế tiểu vùng
Định hướng quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đề cập việc phân chia các tiểu vùng để phát triển. Trong đó, tiểu vùng trung tâm gồm TP HCM, phía Nam Bình Dương và phía Tây Nam Đồng Nai; tiểu vùng phía Nam gồm Cần Giờ (TP HCM), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với trọng tâm phát triển kinh tế biển và tiểu vùng phía Bắc là phần còn lại của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước với nguồn đất đai dự trữ cho tiến trình đô thị hóa.
Bình luận (0)