Ngày 8 và 9-5, tranh thủ trời nắng ráo, chúng tôi men theo con đường đất đỏ chạy dọc kênh ranh Long An dài hơn 10 km, tiếp giáp giữa 2 huyện Hóc Môn, Bình Chánh (TP HCM) và huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Toàn tuyến lục bình mọc ken dày, nước kênh đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc, vài đoạn xuất hiện váng dầu, không rõ từ đâu.
Rạch "chết" vẫn bị đầu độc
Thấy chúng tôi đưa máy chụp ảnh, lão nông Nguyễn Văn Khởi (ngụ xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) liền chạy tới bày tỏ bức xúc. Ông nói trước đây con kênh trong lành, tuy có phèn nhưng cá tép vẫn sinh sôi, người dân chỉ cần rửa phèn là tưới tiêu được. Từ khi các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất bên phía Long An phát triển thì con kênh bị ô nhiễm trầm trọng, người dân không dám lấy nước kênh để trồng trọt.
Ông Khởi dẫn chúng tôi đi một vòng kênh. Đến miệng cống có ký hiệu AH30, lão nông này liền chỉ tay về phía một nhánh kênh nhỏ cho biết đó là kênh T1, nước lúc nào cũng đen và hôi kinh khủng. Nhiều lúc nước có váng dầu, tồn tại rất lâu, chỉ khi mưa lớn mới trôi được. "Họ đầu độc kênh vậy đó, cư dân chúng tôi bức xúc lắm nhưng kêu hoài cũng vậy" - ông Khởi lắc đầu. Ông nói cuộc sống người nông dân vốn đã khó nay càng thêm khó.
Rời kênh ranh Long An, chạy dọc đường Trần Văn Giàu, chúng tôi đến kênh B, kênh C (huyện Bình Chánh, TP HCM) - vốn là những con kênh tưới tiêu từ bao đời cho người dân các xã Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt. Ngay đầu kênh B, nguồn nước kênh đen kịt, hôi thối, rác đọng hai bên bờ. Bà Hoa (nhà ngay đầu kênh) không cần nhìn trước ngó sau, tuôn ra một tràng: Kênh bị đầu độc công khai như vậy nhưng chẳng ai làm gì cả (?!). Cách đó không xa là kênh C, nước kênh hầu như lúc nào cũng bốc mùi nồng nặc nên nhiều năm nay không thể dùng để tưới tiêu. Lý do được người dân chỉ rõ là bởi nước từ con rạch Cầu Suối đổ ra. Bức xúc vì con rạch ô nhiễm, ông Phan Bất Bình (nông dân cố cựu xã Vĩnh Lộc B) thẳng thừng nói đây là con rạch "chết" nhưng vẫn bị đầu độc. "Nhiều năm nay, rạch Cầu Suối không còn khả năng thoát nước do nhiều đoạn bị rác tồn đọng, lục bình ken dày gây bít dòng chảy nhưng mỗi ngày vẫn bị các cơ sở sản xuất xả nước thải xanh, đỏ xuống lòng kênh gây ô nhiễm trầm trọng. Rạch này đổ ra kênh C, đố ai dám lấy nước tưới tiêu, trồng trọt" - ông Bất Bình nói.
Ám ảnh cả giấc mơ
Rời TP HCM, trong các ngày từ 14 đến 18-5, chúng tôi có mặt ở nhiều con suối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo chỉ dẫn của người dân, từ phía Quốc lộ 51 theo đường Tân Cang, phía sau các khu dân cư đông đúc thuộc phường Phước Tân, TP Biên Hòa, chúng tôi đã ám ảnh khi chứng kiến một con suối có dòng nước đặc quánh như nhớt, sủi bọt và hôi thối khôn tả. Con suối khá dài, len lỏi qua những khu vực um tùm cây dại, đổ ra sông Đồng Nai. Lòng vòng bám theo dòng suối chết, đến một ống cống bắc qua, chúng tôi tiếp cận mặt nước và dùng cây khơi dòng nhưng nó hoàn toàn không còn chảy được, chỉ thấy bọt váng sủi lên và mùi nhớt xộc vào mũi. Con suối nằm cạnh nghĩa trang TP Biên Hòa, tại nơi thưa thớt bóng người và khi chúng tôi vào đây với dáng vẻ của người đi "xem đất", đã bắt gặp những sự dò xét từ những người trong các cơ sở dầu nhớt phế thải.
Con suối phía sau khu dân cư đông đúc thuộc phường Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang bị “sát hại” không thương tiếc Ảnh: XUÂN HOÀNG
Trong khi đó, khi khảo sát các con suối đổ ra sông Đồng Nai tại khu vực 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng tệ hại do việc nuôi heo gây ra. Tại xã Hưng Lộc, xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất), khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, dòng nước đen ngòm từ hàng chục trại chăn nuôi heo cũng tràn ra, bốc mùi hôi thối ám ảnh khu dân cư. Ở đây có suối Đá, suối Bí, nước thải chảy ra đen ngòm, từng lớp phân heo dày đặc, bốc mùi nồng nặc. Còn tại suối Reo, suối Tam Bung, suối Cầu Hai (huyện Thống Nhất), suối Ông Hường (huyện Vĩnh Cửu), suối Nước Trong, suối Điệp (huyện Long Thành), suối Rạch Đông (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đang từng ngày, từng giờ bị đầu độc dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng nhưng màu nước đen ngòm vẫn cứ thế hiện hữu.
Trước đó, ghi nhận ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày cuối tháng 4, chúng tôi được người dân sống gần suối Giao Kèo (thị xã Phú Mỹ) liên tục phản ánh tình trạng nước suối có màu vàng kèm theo bọt trắng, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc. Đây là dòng suối đổ ra sông Dinh và từ đây ra biển. Dù nhiều năm qua dân thường xuyên "kêu cứu" và có nhiều hơn 1 lần chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nhưng được một thời gian đâu lại vào đấy.
Chị N.T.N (một người dân sống cạnh con suối) nói có ở gần mới hiểu độ hôi thối, mùi như nước tẩy quần áo xộc lên tận mũi sẽ như thế nào. "Sống ở đây mấy ngày thôi, người bình thường đã muốn ói lên ói xuống, thử hỏi người dân xung quanh sống từ năm này qua năm khác sẽ chống chịu làm sao" - chị N. kêu cứu. Chị nói giờ trong mơ chị vẫn bị hình ảnh ô nhiễm của con suối ám ảnh.
Đến suối Đá - con suối chảy qua địa bàn xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dài hơn 3 km, vốn là nguồn nước quan trọng phục vụ cho gần 1.000 hộ dân thuộc 4 ấp của xã Bình Châu nhưng người dân nơi đây cho hay không thể sử dụng vào việc gì, đó là chưa kể mùi hôi thối từ cuối suối theo gió cuốn lên đang đầu độc bầu không khí.
"Đây từng là dòng suối trong vắt nhưng giờ nước suối có một lớp màng phủ bên trên. Nó đã thực sự chết rồi" - ông Nguyễn Ngọc Hiếu, ngụ xã Bình Châu, nói trong bực tức và tiếc nuối.
Ám ảnh nhất có lẽ là suối Chợ (thuộc phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Cả con suối dài hàng ki-lô-mét này không tìm thấy nước, bởi nổi trên bề mặt là lớp bọt trắng xóa, đông đặc, xung quanh không hề có một loại cây cỏ và côn trùng nào sống được. Bằng chứng là ngày 11-4, có mặt cùng chúng tôi khảo sát con suối tầm 15 phút mà ông Bùi Văn Vương (cán bộ hưu trí ở địa phương) đã ôm ngực ho sặc sụa, vì mùi hôi xộc thẳng vào mũi dù đã trang bị khẩu trang.
Mỏi mắt tìm cũng không thể thấy dòng nước chảy dưới con suối Chợ ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Khắp nơi chịu trận!
Vừa gặp chúng tôi, những người dân sinh sống gần con suối Sọ (thuộc phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã than rằng con suối đang giết họ từng ngày. "Chúng tôi đang cố thủ bằng cách đóng kín các cửa để tránh mùi hôi ngày càng nồng nặc" - anh Nguyễn Thanh Tình nói.
Tương tự, gần 600 hộ dân sống cạnh rạch Chòm Sao (chảy qua các phường Hưng Định, Bình Nhân, Lái Thiêu của TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng đang chịu trận vì nước từ con rạch bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Kỳ tới: Tan nát dòng Chà Và, Đồng Nai và Phú Hội
Bình luận (0)