Việc đề nghị chấm dứt chính sách trên không phải ở vấn đề tốt hay xấu, thể hiện sự ưu ái của nhà nước đối với ngành sư phạm như thế nào và có nên tiếp tục sự ưu ái đó hay không. Ở đây, câu hỏi đặt ra là nếu tiếp tục chính sách miễn giảm học phí thì kết quả có thể dự đoán là gì và đó có phải là điều xã hội đang mong đợi?
Đã có một thời kỳ không ít sinh viên nông thôn và gia cảnh khó khăn đổ xô vào ngành sư phạm vì lý do chủ yếu là được miễn giảm học phí chứ không hẳn yêu nghề. Nhờ chính sách này, các trường sư phạm đã mở rộng quy mô đào tạo đến mức cách đây vài năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết cả nước đã thừa đến 35.000 giáo viên phổ thông. Có một nguyên nhân là số lượng học sinh đã giảm mạnh từ 17,8 triệu em trên cả nước trong năm học 1999-2000 còn 14,8 triệu em trong năm học 2010-2011 và hiện nay là 15,4 triệu em. Điều này đã làm cho nhu cầu về giáo viên cũng giảm theo.
Vì thế, việc đào tạo sinh viên ngành sư phạm cần thu hẹp lại ở mức đủ để duy trì khả năng thay thế những người về hưu hoặc rời ngành hằng năm. Nỗ lực của nhà nước và các trường sư phạm giờ đây phải chuyển từ trọng tâm số lượng sang chất lượng, một vấn đề đang gây lo ngại trong toàn xã hội.
Miễn giảm học phí có làm tăng chất lượng của sinh viên sư phạm? Tuy chúng ta chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào để trả lời câu hỏi này nhưng một cách cảm tính có thể thấy rất khó tìm mối tương quan tỉ lệ thuận giữa 2 đại lượng này trong bối cảnh giáo viên đang thừa hiện nay.
Chất lượng sinh viên sư phạm phụ thuộc trực tiếp vào những tiêu chí tuyển sinh đầu vào, triết lý đào tạo và chất lượng đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm nhưng sâu xa hơn, nó phụ thuộc vào những động lực thị trường. Với 10 điểm đầu vào cho 3 môn, thật khó mà nói đến chất lượng của sinh viên ra trường, dù cho có bao cấp về học phí.
Về phương diện quản lý, khi các trường sư phạm được bảo đảm bằng nguồn ngân sách, họ cũng không có động lực mạnh mẽ để cải thiện chương trình và phương pháp đào tạo hướng tới những nhu cầu thực sự của xã hội và của thị trường. Cũng giống như mọi tổ chức và hoạt động khác, cạnh tranh là động lực tạo ra sự phát triển. Bao cấp sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh của các trường.
Về phía người học, với một tương lai thất nghiệp, thu nhập thấp đang chờ đón, liệu chúng ta có thể thu hút được những người thực sự giỏi, yêu nghề, tận tâm, không ngừng học hỏi, sẵn sàng xem dạy học là sứ mạng cuộc đời của mình?
Vì thế, chấm dứt việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm nên xem là bước đi đầu tiên trong việc cải cách toàn bộ hệ thống sư phạm nhằm cải thiện chất lượng người thầy. Đó mới là việc mà các nhà làm chính sách và các trường phải tập trung giải quyết.
Bình luận (0)