Đủ lý do… sổng chuồng
Vụ đầu tiêu xảy ra ở đoạn sông tại khu vực bến đò 13 thuộc xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) vào sáng 18-10. Con cá sấu dài khoảng 1,5m, nặng khoảng 70kg được người dân phát hiện đang "dạo chơi" dưới sông. Sau khi được người dân vây bắt, các ngành chức năng xác nhận loài cá ăn thịt này được hộ ông P.T.N. nuôi nhốt cùng con con cá sấu khác nhưng không đăng ký, cũng không báo cáo chính quyền địa phương. Nguy hiểm hơn, mặc dù trọng lượng của con cá sấu khá lớn nhưng gia đình ông N. làm chuồng trại rất tạm bợ khi chỉ dùng lưới B40 để che chắn. Khi triều cường dâng cao, con cá sấu này dễ dàng thoát ra ngoài.
Con cá sấu sổng chuồng này "dạo chơi" dưới sông trước khi bị người dân bắt lại
"Đoạn sông này thỉnh thoảng có những cháu nhỏ xuống tắm và vui đùa. Rất may sự việc cá sấu sổng chuồng không gây tai họa, nếu không thì "hối hận thì đã muộn". Đợt triều cường cao nhất trong năm sẽ diễn ra trong vài ngày tới, mong rằng sẽ không còn trường hợp nào xảy ra tương tự", một hộ dân ở gần khu vực bến đò 13, mong muốn.
Vụ thứ hai xảy ra tại xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Con cá sấu khá lớn này được tiểu thương thu mua cua biển phát hiện đang "lang thang" trong vuông tôm nên tri hô để người dân chạy đến vây bắt, đập chết. Chủ nhân của con cá sấu sổng chuồng này là một hộ dân tại địa phương nuôi.
Người dân vây bắt và đập chết con cá sấu
Nguy hiểm hơn là trường hợp con cá sấu dài khoảng 1,2m bất ngờ xuất hiện tại bãi xe khách Hùng Cường (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) khiến nhiều hành khách phát khiếp. Chủ nhân của con cá sấu này nhanh chóng được xác định là Lê Thị Bích Lệ, chủ trại cá sấu Út Tuyết. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Lệ thừa nhận vào ngày 24-10, trang trại của bà cho giết mổ cá sấu tại chuồng để lấy thịt và da bán. Tuy nhiên, do bị động và hoảng sợ nên con cá sấu này đã tung cửa chuồng, sổng ra ngoài rồi bò vào bãi xe khách ở phía đối diện. Sau khi xác định cá sấu là của trang trại mình bị sổng chuồng, bà Lệ cho nhân viên bắt về và giết mổ ngay.
Rất khó xử lý?
Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết hiện toàn tỉnh này có 52 cơ sở gây nuôi cá sấu nước ngọt, trong đó có 15 cơ sở có quy mô trên 1.000 con. Tính đến thời điểm hiện tại, An Giang mới chỉ có 2 cơ sở gây nuôi được cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi thuộc CITES nên được phép xuất khẩu cá sấu nước ngọt là trại cá sấu Long Xuyên tại TP Long Xuyên và Út Tuyết ở TP Châu Đốc.
Con cá sấu sổng chuồng rồi "lang thang" ở khu vực bến xe ở An Giang
Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm đều tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân đăng ký gây nuôi, mua bán, vận chuyển, sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã trong toàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường tổ chức kiểm tra định kỳ tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm. Ngoài ra, còn thành lập đoàn kiểm tra đột xuất 2 đợt/năm (mỗi đợt từ 2- 4 ngày) gồm các huyện có cơ sở gây nuôi nhiều loài, số lượng lớn. Những đợt kiểm tra liên ngành mang tính giáo dục, nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp cá sấu thoát khỏi trại nuôi thì chủ trại nuôi phải báo ngay cho Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương, các cơ quan công an hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời xử lý. Về phía Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thu bắt cá sấu sổng chuồng.
"Hiện nay vẫn chưa có quy định xử phạt đối với chủ cơ sở gây nuôi để xảy ra tình trạng cá sấu sổng chuồng. Tuy nhiên, nếu qua kiểm tra phát hiện chuồng, trại không đảm bảo an toàn thì ngành chức năng sẽ đề nghị cơ quan CITES Việt Nam thu hồi giấy phép gây nuôi"- ông Hùng khẳng định.
Trại nuôi cá sấu Út Tuyết nằm cập tuyến tránh quốc lộ 91 đi qua địa phận khóm Hòa Bình, phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc được xây dựng khá kiên cố nhưng vẫn để cá sấu sổng chuồng, bò qua bãi xe khách phía đối diện
Cũng theo ông Hùng, việc trại nuôi Út Tuyết để xảy ra cá sấu sổng chuồng rồi đi vào bãi xe khách Hùng Cường ở phía đối diện vào ngày 24-10 vừa qua là do sơ suất của công nhân trong khâu xuất cá ra bên ngoài. Đây là cơ sở gây nuôi quy mô lớn nên chuồng, trại được xây dựng bài bản theo đúng quy định. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ngành kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương đến làm việc và cho chủ cơ sở làm cam kết không tái phạm cũng như chú ý quan tâm hơn về quy định an toàn trong quá trình gây nuôi.
"Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã cử lực lượng chức năng đến phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên để xác minh làm rõ thêm về thông tin người dân nơi đây vừa bắt được cá sấu nhỏ xuất hiện trên rạch Cái Dung. Khi nào có kết quả xác minh thì chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí về các biện pháp xử lý tiếp theo nếu như xác định được chủ nhân của nó là ai"- ông Hùng khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Cà Mau, cho biết đơn vị chủ yếu quản lý về nguồn gốc con nuôi. Tuy nhiên, người dân muốn nuôi cá sấu phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, trường hợp nuôi "chui" sẽ không được xác nhận khi vận chuyển. Đối với chuồng trại nuôi cá sấu không đạt "chuẩn" sẽ nhắc nhở và yêu cầu người dân xây dựng kiên cố để bảo đảm an toàn. "Trước đó, một số trường hợp cá sấu nuôi bị sổng chuồng, kiểm lâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân thu gom lại", ông Hải thông tin thêm.
Bình luận (0)