Lao ra giữa tâm bão đang có gió giật cấp 14 để tìm từng người bị nạn và chở vào bờ, mà phải nhiều lượt vào ra mới cứu được khoảng 200 người. Việc làm của anh Luân và các bạn của anh đã được cộng đồng tán thưởng, xem là việc công đức còn lớn hơn cả xây vạn ngôi chùa.
Anh Nguyễn Bá Luân nói khi các nhà báo muốn phỏng vấn, chụp hình anh để ca ngợi: "Việc cứu người, tôi tin chắc là ai trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ làm như vậy thôi. Tôi không muốn nổi tiếng, không muốn chụp hình". Nhưng với cộng đồng, việc của các anh làm rất đáng được tôn vinh bởi trước hiểm nguy, trước cái sống và chết, anh và các bạn đã chấp nhận tất cả chỉ với một mục đích: cứu người. Đấy là một bản năng thánh thiện. Trong thư khen gửi anh Luân và các bạn của anh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hành động cao cả, đáng trân trọng này thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta".
Một làng quê miền Trung bị nước lũ cô lập Ảnh: Duy Cường
Thực ra, trong thiên tai, bão lũ lâu nay, trong các cộng đồng dân cư của nước ta đã có nhiều tấm gương như anh Luân và các bạn của anh. Họ đã không vô cảm trước nỗi đau nhân thế. Có người vì xả thân cứu nạn mà thương vong.
Nói như thế cũng để thấy vì sao sau những cơn lũ lụt vừa qua, dư luận trút sự phẫn nộ lên hồ đập thủy điện ở thượng nguồn các con sông và những người đang vận hành các hồ đập này. Thủy điện làm ra điện là góp phần đem lại lợi ích cho quốc kế dân sinh, lẽ ra dân phải mừng, phải tri ân nhưng sự thực thì không. Nghe phi lý nhưng ngẫm lại có lý, bởi các hồ đập này khi nắng thì lấy hết nước làm dân chúng ở hạ nguồn chới với vì đồng khô cỏ cháy, mưa thì đúng là như những "quả bom nước" khổng lồ sơ sẩy tí là gây đại họa, có khi hậu quả còn hơn cả thiên tai. Mà thực sự thì đã xảy ra chứ không phải suy diễn.
Tối 8-11, với việc mưa lớn trở lại, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu 4 thủy điện vận hành đưa mực nước hồ về mức cao nhất trước lũ. Trước đó, UBND huyện Phước Sơn của tỉnh này cũng đã yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 ngưng xả lũ để tìm 15 phụ nữ đi làm thuê trong rẫy nhưng không thể về nhà do thủy điện xả lũ làm họ bị cô lập trong rừng 5 ngày.
Có nhiều lập luận để biện giải cho việc xả lũ đúng quy trình. Những "quả bom nước" sẽ vỡ tung, gây đại họa nếu không được "giải cứu" khi đã tích đầy nước. Nhưng quy trình xả là do con người tạo ra và không chỉ để "giải cứu" cho hồ đập thủy điện mà còn phải đem đến sự an toàn tính mạng, tài sản của dân trong vùng ảnh hưởng. Vì thế mới có việc bao giờ sẽ xả và xả bao nhiêu, xả trong bao lâu, các hình thức cảnh báo thế nào để dân chúng biết mà chống đỡ… Nếu vô cảm đến mức chỉ lo cho an toàn hồ đập, mặc kệ chúng sinh thì hiểm họa thật khó lường.
Bình luận (0)