Lãnh đạo UBND TP HCM đã có buổi gặp gỡ đầu năm với 322 chủ tịch UBND phường - xã, thị trấn trên địa bàn vào chiều 22-2. Buổi gặp gỡ diễn ra trong sự cởi mở, thẳng thắn khi các đại biểu mạnh dạn chỉ ra mặt tồn tại, hạn chế; đồng thời hiến nhiều giải pháp để xây dựng, phát triển TP.
"Nóng" chuyện đô thị
Phát biểu đầu tiên, Chủ tịch UBND phường Đa Kao (quận 1) Ngô Hải Yến chia sẻ chuyện đã giải quyết nghỉ việc cho 5 cán bộ, công chức đều vì lý do kinh tế. "Chế độ cho cán bộ, công chức ở phường, xã, thị trấn hiện nay thấp. Do đó, khi triển khai Nghị quyết 54, rất mong TP quan tâm tăng thu nhập cho đối tượng này, nhất là cán bộ không chuyên trách" - bà Yến kiến nghị.
Cán bộ, công chức TP HCM kỳ vọng được tăng thu nhập khi thực hiện Nghị quyết 54 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng tâm đắc và kỳ vọng vào việc TP sẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND phường 15 (quận Bình Thạnh) Nguyễn Thị Mỹ Linh bày tỏ khi TP tính toán tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, dù tăng ít hay nhiều cũng động viên anh em rất nhiều. Do đó, bà Linh đề nghị trên cơ sở Nghị quyết 54, tăng thêm phụ cấp trách nhiệm cho những người giữ chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND phường - xã, thị trấn bởi mô hình bí thư kiêm chủ tịch đang phát huy nhiều mặt tích cực nhưng trợ cấp chỉ thêm 20% so với hệ số lương.
Chủ tịch UBND phường Phước Long B (quận 9) Cao Đoàn Ngọc Thủy phản ánh quy trình trong xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép hiện nay theo quy định rất mất thời gian. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy. Từ khi phát hiện đến thực hiện cưỡng chế, nếu chủ công trình không tự giác tháo gỡ thì một phần công trình đã hoàn thành. Bà Thủy kiến nghị TP có cơ chế xử lý nhanh các công trình xây dựng vi phạm. Đề cập đến 7 chương trình đột phá của TP, Chủ tịch UBND phường 5 (quận 6) Nguyễn Hữu Lộc đề nghị cần cụ thể hơn và đến tận các phường - xã. Có như vậy, các địa phương mới chủ động đặt ra mục tiêu thực hiện nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trước sự quan tâm đặc biệt của các chủ tịch UBND phường - xã, thị trấn về Nghị quyết 54, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thông tin TP đã xây dựng 21 đề án, nội dung để thực hiện. Ông Tuyến cho hay đến giờ này, TP đã chuẩn bị 4 đề án và một số nội dung, kế hoạch để trình HĐND TP vào giữa tháng 3, trong đó có đề án nâng thu nhập cho cán bộ, công chức TP. Đối với kiến nghị cần cơ chế xử lý nhanh công trình xây dựng vi phạm, ông Tuyến nói việc quản lý nhà nước về xây dựng phải tuân thủ pháp luật, theo quy trình xử lý vi phạm hành chính chứ không có chuyện làm nhanh làm chậm. "Các vi phạm hiện nay đều có quy định xử lý. Vấn đề mấu chốt là phải xử lý sao cho minh bạch và hạn chế tối đa tiêu cực" - ông Tuyến lưu ý.
Tin tưởng đội ngũ kế cận
Chuyện làm sao quản lý tốt vỉa hè, lòng đường cũng được nhiều đại biểu chia sẻ. Bà Yến cho rằng muốn thành công thì phải có một kế hoạch cụ thể, bài bản và phải xác định công tác dân vận là việc đầu tiên.
Tại phường Đa Kao, chính quyền đã phát đi 500 thông báo, 1.500 tờ rơi đến người dân, nhất là nhà dân, doanh nghiệp có công trình lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để tuyên truyền, đồng thời cho họ 2 tuần để tự giác tháo dỡ các công trình này. Kết quả, các hộ dân, doanh nghiệp đã tự nguyện tháo dỡ 500 công trình vi phạm. Chủ tịch UBND phường 8 (quận Tân Bình) Võ Thị Phường cho hay những tuyến đường xung quanh chợ Tân Bình có tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè rất phức tạp. Bằng công tác vận động, người dân đã đồng thuận việc sắp xếp buôn bán trên vỉa hè, ký 1.610 bản cam kết.
Đánh giá về cuộc gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng rất chất lượng. "Để phát biểu được những nội dung sâu sắc như vậy chứng tỏ đã có sự trải nghiệm thực tế, rất sâu sát tình hình cơ sở. Chúng tôi thấy rất tự tin về đội ngũ cán bộ kế cận trong tương lai" - ông Phong phấn khởi và đề nghị các chủ tịch UBND phường - xã, thị trấn tiếp tục phát huy sự năng động, sáng tạo, gắn với cơ sở và chủ động triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý phải kiên trì chủ trương lập lại trật tự lòng lề đường. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên địa bàn tất cả các phường - xã, thị trấn, phát huy vai trò của MTTQ các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị trong công tác tuyên truyền, giám sát đối với việc thực hiện quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa bàn giáp ranh; đồng thời nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình, giải pháp tổ chức lại cuộc sống của người dân để bảo đảm tính căn cơ, lâu dài, vừa bảo đảm đường phố văn minh, sạch đẹp vừa ổn định cuộc sống của người dân.
"Cần xác định đây là trách nhiệm chính của những người đứng đầu chính quyền cơ sở" - ông Phong nhấn mạnh.
Gương mẫu và vì dân
Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết tính đến đầu năm 2018, số lượng cán bộ, công chức; cán bộ không chuyên trách phường - xã, thị trấn là 12.480 người. Trong đó, hơn 62% có trình độ đại học trở lên. Đối với 322 chủ tịch UBND phường - xã, thị trấn thì có 85 nữ. Theo ông Hoan, để khắc họa chân dung chủ tịch UBND phường - xã, thị trấn, có thể dùng 8 từ để nói "tận tụy - năng động - sáng tạo - trách nhiệm" nhưng với chủ tịch UBND phường - xã, thị trấn trên địa bàn TP chỉ giản dị với 2 điều: gương mẫu và vì dân. "TP ghi nhận và đánh giá cao chủ tịch UBND 322 phường - xã, thị trấn đã đóng góp tích cực vào thành công chung của TP trong năm 2017 vừa qua, đặc biệt là UBND 24 phường - xã, thị trấn có những kết quả nổi bật và dẫn đầu phong trào thi đua của 24 quận, huyện" - ông Hoan nói.
Bình luận (0)