xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiến kế nhiều giải pháp phát triển TP HCM

PHAN ANH

Hàng loạt giải pháp để TP HCM phát triển bền vững vừa được kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài đề đạt lên lãnh đạo thành phố

Chiều 14-12, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của thành phố với chủ đề "TP HCM trở lại bình thường mới hậu Covid-19: Vấn đề và kiến nghị". Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu.

Nâng tầm quản trị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết theo lịch làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi sẽ chủ trì hội nghị này. Tuy nhiên, chiều nay, Chủ tịch UBND thành phố phải dự một hội nghị rất quan trọng - Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. "Chủ tịch UBND TP HCM gửi lời chúc bà con kiều bào trong nước và nước ngoài luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, sống an toàn và thành công trong cuộc sống và công tác" - ông Võ Văn Hoan chuyển lời.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, việc TP HCM trở lại bình thường mới khi dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt, nên sẽ cần đề ra các giải pháp thiết thực nhằm hồi phục nhanh nền kinh tế, bảo đảm an toàn xã hội và phát triển thành phố theo hướng bền vững, toàn diện. "Vì lẽ đó, đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của tất cả chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ" - ông Võ Văn Hoan bày tỏ và kỳ vọng hội nghị này sẽ tiếp tục được lắng nghe nhiều ý kiến góp ý của đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để chung tay phục hồi và phát triển thành phố một cách bền vững.

Hiến kế nhiều giải pháp phát triển TP HCM - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM

TP HCM mong muốn các chuyên gia, trí thức, bà con kiều bào chủ động kết nối với Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài của TP HCM, góp ý nhiều hơn nữa cho thành phố trong quá trình hồi phục và phát triển.

Sau phần phát biểu chào mừng của lãnh đạo thành phố, các đại biểu kiều bào đã gợi mở, hiến kế nhiều giải pháp để TP HCM phát triển bền vững.

Từ đầu cầu Singapore, TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - ĐHQG Singapore, cho rằng nâng tầm quản trị với chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số là bước đi đầu tiên, có tính quyết định để TP HCM thúc đẩy mạnh mẽ và sống động cả ba động lực phát triển trụ cột.

Ông lập luận: Sức phát triển của một địa phương cũng như một quốc gia dựa trên 3 động lực trụ cột: xúc cảm, khai sáng và kiến tạo. "Xúc cảm là sức mạnh tinh thần tiềm tàng. Nó có được từ lo lắng về sự sống còn, từ khát vọng vươn tới tương lai tươi sáng và từ ý thức trách nhiệm với thế hệ mai sau. Khai sáng là nỗ lực truy tìm và tiếp thụ tinh hoa tri thức của nhân loại và thời đại. Kiến tạo là khả năng không ngừng xây dựng và nâng cấp nền móng và thực lực phát triển, mạnh lên từ đối mặt với thách thức, đi nhanh hơn từ nhạy bén, nắm bắt cơ hội và xu thế thời đại, hiệu quả và hiệu lực hơn từ gắn kết cộng hưởng" - TS Vũ Minh Khương dẫn giải và đề xuất TP HCM chú trọng nâng tầm quản trị.

Xây dựng TP Thủ Đức thành "thành phố Việt Nam"

Kế đến, theo TS Vũ Minh Khương, TP HCM cần hình thành và thúc đẩy khu kinh tế cộng hưởng TP HCM+6 (TP HCM cùng 6 tỉnh phụ cận). Ông nói theo kinh nghiệm của Trung Quốc, khi hình thành các khu kinh tế cộng hưởng như vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc đã đem lại 3 lợi ích rất lớn. Đó là thúc đẩy sự chuyên sâu và bổ trợ hiệu quả giữa các địa phương trong vùng; sự dịch chuyển nguồn lực theo vùng cộng hưởng sẽ tạo nên giá trị cao không chỉ về năng suất mà cả nền tảng chiến lược, giúp cả vùng và mỗi địa phương thuận lợi hơn trong định vị quốc tế, thu hút đầu tư… Theo hướng này, TP HCM có thể xin phép trung ương để xúc tiến bàn với 6 tỉnh phụ cận là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh để hình thành nên một khu kinh tế cộng hưởng.

Đặc biệt, TS Vũ Minh Khương cho rằng TP HCM cần nhanh chóng xúc tiến các thử nghiệm để xây dựng TP Thủ Đức thành "thành phố Việt Nam" vào năm 2045. Ông nói qua mô hình TP Thủ Đức, TP HCM cần gửi ra thế giới thông điệp lớn về tầm nhìn và năng lực kiến tạo phát triển của mình. Để vươn tới tầm nhìn này một cách mạnh mẽ, TP HCM cần giúp Thủ Đức thể hiện rõ sức đi lên của mình trên các lĩnh vực nền tảng chiến lược và quy hoạch phát triển mang tầm thời đại; cấu trúc tổ chức bộ máy, trong đó khả năng phối thuộc với sức mạnh tổng lực, trách nhiệm cá nhân và minh bạch về kết quả là các tiêu chí then chốt; hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn hảo; năng lực học hỏi và hợp tác quốc tế…

Tăng kinh phí cho chuyển đổi số

Trong khi đó, GS Đặng Lương Mô - người Việt Nam ở Nhật Bản, giáo sư Đại học Hosei (Tokyo - Nhật Bản) - cho rằng vấn đề chuyển đổi số, xã hội số như là một "tất yếu lịch sử", không một ai, tổ chức, cơ quan, nhà nước nào có thể né tránh được khi thảo luận về giai đoạn hậu Covid-19. Theo ông, để cho hoạt động phục vụ hành chính, hoạt động quản lý hành chính trong xã hội số có thể đáp ứng được đúng đích, xác đáng, liên tục thì việc vận dụng những kỹ thuật, những công nghệ mới về chuyển đổi số phải phủ toàn diện hệ thống hành chính, từ trung ương đến địa phương. Cùng với đó, để thực hiện chuyển đổi số, cơ quan hành chính địa phương cũng phải có đủ nguồn tài lực, vật lực và nhân lực. "Tuy nhiên, trong tình trạng thiếu thốn trầm trọng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, các địa phương cần kết hợp với nhau, hợp tác với nhau ngay từ khâu hoạch định cho đến thực hiện và hoạt động để cùng nhau vượt qua khó khăn" - GS Đặng Lương Mô gợi ý.

Đồng tình, ông Lâm Việt Tùng (người Việt Nam ở Hà Lan, chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin - viễn thông cho Vodafone Ziggo) nhấn mạnh "chìa khóa" để phát triển nhanh và bền vững là phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Ông cho biết 2020 là năm bản lề của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tháng 7-2020, TP HCM là đơn vị đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số của thành phố đến năm 2025, chỉ sau một tháng Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". "Đây là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố muốn đưa TP HCM thành đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước" - ông Tùng nhìn nhận. Covid-19 xuất hiện càng cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Việt Tùng, kinh phí dành cho chuyển đổi số quá ít - chỉ 1% GDP. Ông cho rằng với thành phố lớn như TP HCM thì nên chi tối thiểu 3%-4% GDP để đầu tư phát triển cho công cuộc chuyển đổi số. Việc này giúp cho thành phố hoàn thành công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn, bắt kịp với các thành phố lớn trên thế giới. 

Gỡ "nút thắt" chi phí không chính thức

Ông Đinh Vĩnh Cường - người Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn 365Group - cho rằng thực tế đến nay, FDI vào Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á, rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và EU. Bởi chi phí không chính thức chính là rào cản, là "nút thắt" cản trở rất nhiều đến dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. "Điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng. Có như vậy, Việt Nam nói chung và TP HCM mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu" - ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Đinh Vĩnh Cường, có thể áp dụng hình thức công ty cổ phần trong nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là loại hình công ty phổ biến trên thế giới và được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam Á. So với công ty trách nhiệm hữu hạn, loại hình này có nhiều lợi thế về huy động vốn và giảm rủi ro.

Đưa đón người dân ngoại tỉnh về quê dịp Tết

GS Hà Tôn Vinh - người Việt Nam ở Mỹ, từng làm Giám đốc chương trình cao học quản trị kinh doanh của Đại học Tổng hợp Hawaii tại Việt Nam - cho rằng TP HCM cần cung cấp các chuyến xe buýt công cộng đưa lao động hay người dân ngoại tỉnh xa thành phố về quê ăn Tết và đón họ trở lại thành phố làm việc sau Tết. "Việc làm này là một nghĩa cử cao đẹp của lãnh đạo thành phố, giúp người dân có thiện cảm và niềm tin với chính quyền sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khó khăn tài chính và tâm lý" - GS Hà Tôn Vinh nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo