Ngày 11-12, phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã khai mạc với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp lần này sẽ tổng kết kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của QH; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố (báo cáo giám sát).
Ban hành nghị quyết: Hạn chế, hình thức
Đại diện đoàn giám sát, Trưởng Ban Công tác đại biểu (ĐB) Trần Văn Túy cho biết qua giám sát cho thấy số lượng ĐB HĐND cấp tỉnh là 3.903, giảm 4 ĐB so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 637 ĐB hoạt động chuyên trách (chiếm 16,32%), tăng so với nhiệm kỳ trước. Địa phương có tỉ lệ ĐB hoạt động chuyên trách cao nhất là Đà Nẵng (26,53%), ít nhất là An Giang (9,6%).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ảnh: Nguyễn Nam
Ông Trần Văn Túy cho biết bên cạnh nhiều kết quả đạt được, việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc ban hành nghị quyết của HĐND vẫn chưa bảo đảm chặt chẽ theo quy định, việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề giữa 2 kỳ họp và tái giám sát của Thường trực và các ban HĐND; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Một số kiến nghị sau giám sát chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự chủ yếu là cán bộ xã, thôn; việc giải quyết kiến nghị của cử tri một số đơn vị có lúc còn chậm…
Chưa rõ địa chỉ trách nhiệm
Tại phiên họp, một số ĐB bày tỏ băn khoăn khi báo cáo giám sát chỉ ra một số hạn chế nhưng lại chưa chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm thuộc về ai? Nói về việc HĐND ban hành nghị quyết chưa bảo đảm trình tự luật định, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn: "Ban hành chính sách vượt quy định đến khi sai sót thì gây ra hậu quả rất lớn, có thể ảnh hưởng tới toàn xã hội. Tôi cho đây là vấn đề nghiêm trọng" - ông Giàu nhận định.
Nêu ví dụ điều 62 Luật Đất đai có cho phép HĐND cấp tỉnh chấp thuận và ban hành nghị quyết trong giải phóng mặt bằng, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng nhiều dự án giữa kinh doanh và xã hội công cộng còn lẫn lộn, trong đó nhiều dự án thu hồi đất vì mục đích kinh doanh thương mại được HĐND phê chuẩn. Đây cũng là một nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, quy trình HĐND ra nghị quyết thu hồi đất kinh doanh thương mại cần rõ ràng, công khai để giải thích cho người dân.
Đặt ra vấn đề việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: "Như BOT Cai Lậy, nếu đoàn ĐBQH, HĐND tổ chức lấy ý kiến nhân dân đầy đủ chắc sẽ không phức tạp như bây giờ". Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt bày tỏ: "Vừa rồi, một số cán bộ địa phương bị kỷ luật, đau lòng lắm. Nhiều nơi như thế mà HĐND không biết".
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị đánh giá sâu hơn việc ban hành nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố đã mang đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như thế nào? Trong nhiệm kỳ qua có nghị quyết nào không đúng nội dung thẩm quyền không? Nếu có thì đoàn giám sát cần theo dõi, đánh giá lại.
Không lấy ý kiến nhân dân là phạm luật
Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho rằng báo cáo giám sát phải trả lời được vấn đề tại sao hiệu quả hoạt động của HĐND còn thấp. "Cần phải chấn chỉnh trong suy nghĩ và cách làm để làm rõ tại sao hiệu quả thấp khi chúng ta vừa hoàn thiện một loạt các luật?" - Phó Chủ tịch QH đặt vấn đề và cho rằng đối với các vấn đề quan trọng tại địa phương, phải lấy ý kiến của nhân dân. "Nơi nào không lấy ý kiến nhân dân là vi phạm vì đây là những vấn đề luật, Hiến pháp quy định" - Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Bình luận (0)