Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, diện tích tự nhiên tương đương đảo quốc Singapore. Thời gian qua, hạ tầng trên đảo được đầu tư tạo diện mạo mới. Sân bay quốc tế Phú Quốc hiện là sân bay sôi động, nhiều chuyến bay nhất trong vùng ĐBSCL.
Đảo ngọc nhiều năm mặc áo chật
Phú Quốc hiện sở hữu các cảng biển quốc tế tổng hợp là An Thới, Dương Đông được đầu tư, đưa vào khai thác. Các đường xương sống trên đảo: trục Bắc - Nam, vòng quanh đảo và tuyến xương cá được hoàn thành. Đường cáp ngầm đầu tiên dài nhất Đông Nam Á đưa điện quốc gia ra đảo, đường cáp quang viễn thông cũng đã vượt biển ra đảo ngọc.
Cùng với những công trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hầu hết các tập đoàn lớn đã đầu tư vào Phú Quốc như Vingroup, Bim Group, Sun Group, CEO Group. Chưa kể nhiều người giàu có ở Hà Nội, TP HCM đang đầu tư các dự án du lịch vệ tinh trên đảo. Phú Quốc đang là một đại công trường, thường xuyên có hàng chục ngàn lao động làm việc.
Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2018 và triển vọng năm 2019, Phú Quốc được đánh giá là thị trường du lịch sôi động bậc nhất ở Việt Nam. Trong năm qua đã có hơn 4 triệu du khách đến Phú Quốc, nhiều hơn gần 40 lần dân cư trên đảo, tăng 36% so với năm 2017, doanh thu hơn 6.000 tỉ đồng. Nguồn thu ngân sách hằng năm của huyện đảo này chiếm khoảng 40% nguồn thu của toàn tỉnh Kiên Giang. Mới đây, cặp vợ chồng tỉ phú Ấn Độ Kaabia Grewal - Rushang Shah đã chọn hòn đảo này tổ chức đám cưới kéo dài 7 ngày đêm với sự tham dự của khoảng 700 khách cùng 125 nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, chứng minh sức hấp dẫn của "Đảo ngọc - Điểm đến của thiên niên kỷ mới".
Nhưng sức hút mãnh liệt của đảo ngọc cũng đang tạo ra nhiều hệ lụy. Số phương tiện giao thông tăng nhanh, tai nạn giao thông trên đảo cũng tăng cao, chiếm khoảng 50% số vụ tai nạn giao thông toàn tỉnh Kiên Giang. Trọng án xảy ra ở Phú Quốc cũng nhiều hơn. Phát triển nóng trong khi lực lượng cán bộ mỏng, gây quá tải cho công tác quản lý đô thị, nông thôn, an ninh trật tự ở địa phương. Các sai phạm trong quản lý đất đai từng bị phát hiện, nhiều cán bộ cấp huyện, xã đi tù nhưng những cơn sốt đất, vi phạm quy hoạch vẫn lặp lại đáng lo ngại. Đảo ngọc xưa nay vốn yên bình, nay ồn ào xô bồ nhiều loại tệ nạn. Người bể hụi, trốn nợ, trốn lệnh truy nã ở các nơi cũng chạy ra Phú Quốc.
Phú Quốc có nhiều lợi thế phát triển kinh tế và đang cần một mô hình quản lý tương thích. Ảnh: HOÀNG TUẤN
Từ TP biển đảo đến đặc khu kinh tế
Tháng 8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt. Đến tháng 4-2019, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có Tờ trình Chính phủ xin chủ trương thành lập TP Phú Quốc và các phường trực thuộc trên cơ sở huyện đảo Phú Quốc với hơn 40 đảo lớn nhỏ.
Theo địa phương, chính quyền nông thôn cấp huyện hiện tại bộc lộ nhiều bất cập. Yêu cầu quản lý dân cư, đất đai, đầu tư xây dựng, bảo đảm môi trường… đang đòi hỏi một mô hình mới. Việc thành lập thành phố biển đảo Phú Quốc đầu tiên của cả nước được kỳ vọng tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, "thành phố biển đảo" chỉ mới là ý tưởng mà chưa được minh định bằng các tiêu chí cụ thể để phân biệt với "thành phố đất liền". Pháp luật hiện hành chỉ xác định mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn mà không có chính quyền "thành phố biển đảo". Cho đến nay, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua. Việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định rõ cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục. Theo Luật Quy hoạch 2017, không còn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, nó được tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh.
Định hướng quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc thay đổi liên tục từ huyện đảo thành đặc khu hành chính - kinh tế, thành phố biển đảo, nay đang được đề nghị trở thành khu kinh tế. Ưu tiên phát triển kinh tế hay bảo đảm môi trường, xã hội? Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Kiên Giang ngày 29-7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Phú Quốc có tiềm năng và lợi thế để trở thành hòn ngọc tỏa sáng trên vịnh Thái Lan nhưng không được "bê-tông hóa".
Việc quy hoạch đảo ngọc thành đặc khu kinh tế không phải bằng mọi giá tạo ra nguồn thu mà phải đặc biệt chú ý các giá trị nhân văn, môi trường sinh thái. Sự phát triển quá nóng của Phú Quốc gần đây đã mang đến nhiều hệ lụy, đe dọa tương lai của một thiên đường du lịch. Cần phát huy những giá trị văn hóa bản địa, ý thức, niềm tự hào, ham muốn làm giàu từ đảo ngọc biến mỗi người dân trở thành một "đại sứ tiếp thị" cho Phú Quốc, kết nối văn hóa cộng đồng.
Tương lai của Phú Quốc ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn khéo, có trách nhiệm của con người trong hiện tại. Đảo ngọc cần được định hình rõ ràng hơn trong hiện tại với một không gian xanh, sạch, đẹp, kiểu mẫu gắn với cảnh quan biển, với chức năng đô thị được xây dựng trong mối quan hệ với ĐBSCL, cả nước và trong mối quan hệ gắn bó với các đô thị lớn của các nước ASEAN và trên thế giới.
Lập mới quy hoạch tổng thể Phú Quốc
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến các bộ: Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị dừng làm quy hoạch đặc khu kinh tế của UBND tỉnh Kiên Giang.
Trước đó, vào đầu tháng 7-2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo hướng là khu kinh tế. Trong văn bản, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết tháng 8-2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế. Sau đó, địa phương đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch, tuy nhiên đến nay gặp một số khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cho biết đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004, đến nay không còn phù hợp với thực tế phát triển tại huyện đảo này. Đáng chú ý, theo Luật Quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt. "Nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút đầu tư vào đảo Phú Quốc" - văn bản của UBND tỉnh Kiên Giang nêu.
Từ những yếu tố trên, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua. Đồng thời, đề nghị được lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng quy hoạch khu kinh tế Phú Quốc.
Kiên Giang cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch và được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thực hiện thanh toán với tư vấn nước ngoài. UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn tư vấn bảo đảm năng lực, kinh nghiệm, uy tín để lập quy hoạch.
M.Chiến
Bình luận (0)