Theo đánh giá của ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong số trên, có 7.000 tỉ đồng xin cấp từ vốn trái phiếu Chính phủ chỉ dùng để phục hồi, duy tu, bảo trì chứ chẳng phải đầu tư mới. Như vậy có thể hiểu số tiền trên sẽ không sinh ra một đồng lợi nhuận nào. Mà thú thật, lợi nhuận của ngành đường sắt - một ngành được đánh giá là xương sống của giao thông đất nước - cũng chẳng được là bao.
Theo báo cáo của VNR vào tháng 1-2017, năm 2016 doanh thu hơn 8.300 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ 137 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế năm 2015 cũng chẳng nhiều hơn bao nhiêu, 147 tỉ đồng. Một con số quá nhỏ so với số vốn và cơ sở vật chất khổng lồ trải dài từ Nam chí Bắc của VNR. Lợi nhuận như thế, nếu ngành này tiếp tục được vay 4.600 tỉ đồng đầu tư toa xe, đầu máy mới thì chẳng biết đến tháng năm nào mới trả lãi nổi cho ngân hàng chứ nói gì đến vốn gốc.
Câu chuyện đổi mới ngành đường sắt đã đặt ra từ 20 năm trước, nhưng ai cũng có thể thấy sự chuyển mình của ngành này chậm chạp đến thế nào. Đầu tư một vài toa xe sạch sẽ vội kết luận đó là "5 sao" thì quá vội vã. Mà một vài toa xe này cũng không làm thay đổi được hình ảnh ì ạch của phần lớn các đoàn tàu hiện nay. Ai đã từng đi tàu Nam - Bắc thì cũng biết, máy lạnh chạy một chế độ bất kể ngày đêm. Toa ghế cứng thì cửa mở, bụi mù, người nằm la liệt dưới sàn. Phần lớn toa giường nằm thì mỗi phòng 6 giường. Khách chỉ có thể nằm mà không thể ngồi được vì khoảng cách giữa các tầng quá thấp. Còn nhà vệ sinh thì vẫn bốc mùi dù ngành này đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng.
Nỗi ám ảnh càng đáng sợ hơn mỗi khi đi tàu vào dịp lễ, Tết. Lấy lý do tăng cường ghế phụ để "phục vụ hành khách", ngành đường sắt thoải mái bán vé phụ và đưa người lên tàu thoải mái, ngồi kín hết lối đi, cả phần nối giữa các toa và ngay cửa toa lét. Chúng ta cũng không quên, giá vé ngành đường sắt cũng không hề rẻ, đắt hơn rất nhiều so với ô tô giường nằm và một số loại ghế có giá gần bằng máy bay. Trong khi, đường sắt cũng không rút ngắn thời gian di chuyển hơn so với các loại phương tiện khác.
Đầu tư là cần thiết nhưng đầu tư phải có lợi nhuận. Đồng tiền nào cũng là đồng tiền của dân, nó phải được sinh lợi và nâng chất lượng phục vụ người dân chứ không thể cứ dùng để vá víu cho những yếu kém của cả một ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. Ngành đường sắt có quá nhiều lợi thế để kinh doanh, không bị cạnh tranh cùng ngành, ít bị tác động so với các phương tiện vận tải khác. Quan trọng hơn, ngành này được ưu tiên nhiều mặt và có trong tay cơ sở vật chất khổng lồ. Thậm chí, chỉ lấy vài mặt bằng tại TP HCM cho thuê thôi, số tiền thu được cũng lớn hơn lợi nhuận cả năm của ngành này.
Chả lẽ đường sắt cứ mãi ì ạch?
Bình luận (0)