Trước thông tin tổ chức Giáo dục Thiên nhiên (ENV) gửi văn bản kiến nghị Bình Dương thu hồi giấy phép nuôi hổ của khu du lịch Thanh Cảnh và chuyển 5 con hổ ở đây về trung tâm cứu hộ phù hợp, tối 7-6, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết sẽ báo cáo sự việc với cơ quan cấp trên để xin ý kiến xử lý. "Mấy ngày nay tôi cũng đau đầu với vụ hổ của Thanh Cảnh nhiều lắm rồi. Có đơn vị tiếp nhận thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh vận động để họ bàn giao hổ" – lãnh đạo Chi cục Kiêm lâm Bình Dương nói. Kiểm lâm Bình Dương xác nhận hiện doanh nghiệp tư Thanh Cảnh của bà Huỳnh Thị Mỹ còn nuôi 5 con hổ.
1 trong 5 con hổ còn lại ở Thanh Cảnh - nơi vừa xảy ra vụ hổ cắn tay người
Câu hỏi đặt ra là vì sao Khu du lịch Thanh Cảnh không còn hoạt động mà đơn vị này vẫn nuôi hổ? Mục đích thực sự của việc nuôi là gì?
Theo tài liệu chúng tôi có được, từ năm 2000 đến năm 2003, Thanh Cảnh mua 12 con hổ (trong đó hai con gửi nuôi tại KDL Suối Tiên). Số hổ này có nguồn gốc bất hợp pháp, không rõ xuất xứ. Chỉ riêng trong năm 2003, 4 con hổ loại lớn ở Thanh Cảnh lần lượt bị lén lút bán ra ngoài, thu lợi hơn 1,4 tỉ đồng.
Qua 4 phi vụ mua bán trên cho thấy giá mua bán rất cao. Có lần Thanh Cảnh bán con hổ nặng 180kg cho một nhóm người với giá 2,3 triệu đồng/kg, thu về 414 triệu đồng. Sau đó, nhóm đối tượng này bán lại con hổ trên cho Lê Văn Hùng với giá 2,4 triệu đồng/kg nhưng khi Hùng mổ bụng hổ kiểm tra thì thấy toàn nước. Hùng cho rằng hổ bị bơm nước nên chỉ chấp nhận mua toàn bộ bộ con hổ với giá 250 triệu đồng. Hùng tự nấu con hổ này thành 9,1kg cao hổ. Hùng khai dùng cao hổ trị bệnh cho bản thân. Hùng chỉ còn giữ lại một bộ da khô của con hổ.
Các chuyên cho rằng cao hổ cốt không có tác dụng thần kỳ nhưng nhiều người dân vẫn săn mua để chữa bệnh (Nguồn ảnh trên mạng)
Các thương vụ bán hổ của Thanh Cảnh chỉ bị phát giác vào năm 2006. Cụ thể ngày 12-1-2006, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện một nhóm người dùng taxi vận chuyển một con hổ chết (nặng hơn 150 kg). Nhóm người này khai mua hổ của doanh nghiệp Thanh Cảnh với giá hơn 365 triệu đồng. Công an vào cuộc, các vụ mua bán hổ trước kia mới bị khui ra.
Trong khi vụ án mua bán hổ chưa được xét xử thì bất ngờ năm 2007 Thanh Cảnh được cấp phép cho nuôi thí điểm 5 con hổ còn lại với mục đích bảo tồn loài hổ.
Năm 2011, TAND tỉnh Bình Dương tuyên ông Huỳnh Văn Hai (chồng bà Mỹ) 3 năm tù treo, con trai ông Hai bị tuyên 2 năm tù giam.
Một con hổ được nuôi ở trung tâm cứu hộ tại Hà Nội
Mới đây, chiều 4-6 - 2019, hổ nuôi tại Thanh Cảnh đã vồ cắn đứt lìa cánh tay của ông Võ Thành Quới (49 tuổi) trong lúc ông này vào thăm người quen làm việc tại Thanh Cảnh. Từ đây việc nuôi hổ của Thanh Cảnh được xới. ENV đề nghị tỉnh Bình Dương mạnh tay thu hồi giấy phép nuôi hổ của Thanh Cảnh và giao hổ về trung tâm cứu hộ của nhà nước.
Bình luận (0)