Tưởng chừng một hành động đơn giản của người Nhật - nhưng cũng quá khó khăn đối với nhiều người Việt - diễn ra tại một trạm xăng sẽ dễ dàng trôi qua trong cuộc cạnh tranh mua bán. Thế nhưng, nó đã nhanh chóng tràn ngập trên mạng xã hội và các tờ báo chính thống. Hình ảnh này rơi đúng vào sự mặc cảm về văn hóa bản thân của bao người và đánh mạnh vào văn hóa doanh nghiệp mà phần lớn các ông chủ Việt Nam ít khi làm: tri ân khách hàng. Chúng ta đã quen nhìn các ông chủ tự mãn, dính líu các vụ xì-căng-đan tình ái, nhúng chàm đứng trước vành móng ngựa chứ hiếm khi nhìn thấy một ông chủ cúi mình trước người khác, có thể yếu thế hơn mình.
Đã có những đề phòng từ không ít doanh nghiệp xăng dầu trước cách làm của ông chủ người Nhật. Họ đã mường tượng đây là đối thủ đáng gờm, đặt một bước đi căn cơ để vẽ lên con đường thành công của doanh nghiệp. Ông ta cúi mình như một lời hứa về những gì ông ta muốn phục vụ: chính xác, chu đáo và biết ơn.
Trong bối cảnh rất nhiều trạm xăng gian lận đã bị các cơ quan chức năng xử phạt rồi thôi thì lời hứa của ông chủ trên nghiễm nhiên được nhiều khách hàng chấp nhận. Chấp nhận để xoa dịu những bực tức mà mình phải gánh chịu khi bị gian lận, đối xử bất nhã. Ngay trong những ngày này, Cơ quan Công an tỉnh Nghệ An phá một đường dây pha chế xăng kém chất lượng tung ra thị trường đến hơn 2 triệu lít. Rồi hằng ngày chúng ta phải chứng kiến bao cự cãi tại các trạm xăng về việc bán đúng, bán đủ. Thậm chí ngay tại trạm xăng nằm giữa quận 1, TP HCM nhân viên từng đòi đánh khách hàng chỉ vì những xích mích nhỏ.
Không ít người cho rằng việc làm trên chỉ là chiêu thức trong kinh doanh. Nhưng xin đừng quên, cúi mình trân trọng người khác vốn là văn hóa của người Nhật. Họ không yếu đuối bởi vì điều đó. Thậm chí, họ rất mạnh mẽ và tự cường. Từ một đất nước bị tàn phá, nghèo khổ sau chiến tranh, trong vòng 30 năm họ đã trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới. Rất nhiều người từng xem những clip về các đứa trẻ 5, 7 tuổi ở Nhật khi đi qua đường làng, lập tức những ô tô dừng xe từ rất xa nhường đường. Những đứa trẻ qua đường xong liền dừng lại, xoay người cúi mình cảm ơn người tài xế. Văn hóa về sự cúi mình đã được dạy từ trong nhà trường.
Trong các thương vụ, chúng ta cũng thường thấy những chủ doanh nghiệp người Nhật cúi mình chào các đối tác. Đó như một lời cam kết với những gì đã thỏa thuận. Họ mang sự cúi mình vào thương trường và đã thành công.
Ngay cả các nguyên thủ quốc gia của Nhật cũng thường xuyên cúi mình trong các quan hệ ngoại giao. Đó là sự tôn trọng người khác, qua đó cũng chính là tôn trọng bản thân. Họ không ngại cúi mình biểu lộ sự khiêm tốn ngay cả trong chính trường.
Xin chớ cố tình hiểu lầm sự cúi mình của người Nhật. Ông chủ bán xăng cúi mình trước khách hàng không làm ông ta thấp hơn. Thậm chí, điều đó khiến chúng ta phải ngước nhìn.
Bình luận (0)