Sáng 6-10, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP HCM đến năm 2025.
Cơ bản hoàn tất sắp xếp
Báo cáo tại hội nghị, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM, cho biết sau 2 năm triển khai với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời cùng sự tham gia nghiêm túc, Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP HCM đến năm 2025 đã hoàn tất giai đoạn 1. Cụ thể, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn dưới hình thức chuyển đổi cơ quan chủ quản, mô hình hoạt động, sáp nhập từ 27 cơ quan còn 19 cơ quan. Hiện có 25/27 cơ quan báo chí đã hoàn thành việc sắp xếp, đạt tỉ lệ 92,6%; còn 2/27 cơ quan báo chí đang sắp xếp là Báo Tuổi trẻ và Báo Cựu chiến binh TP HCM, chiếm 7,4%. Trong số 19 cơ quan báo chí sau sắp xếp, có 8 cơ quan báo in, 9 tạp chí và 2 đài phát thanh, truyền hình.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức khẳng định trung ương và TP HCM luôn mong báo chí phát triển hơn nữa
Trong số 27 cơ quan báo chí trước khi sắp xếp, có 2 cơ quan trực thuộc Thành ủy TP HCM (Báo Người Lao Động, Báo Phụ Nữ TP HCM) và 6 cơ quan trực thuộc UBND TP HCM (Báo Pháp luật TP HCM, Tạp chí Giáo dục TP HCM, Tạp chí Du lịch TP HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Khoa học phổ thông) đã hoàn tất thủ tục bàn giao về nhân sự, tài chính, tài liệu, hồ sơ liên quan cho cơ quan chủ quản mới. Các cơ quan báo chí trên cũng hoàn thành các quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, trình Thành ủy và UBND thành phố phê duyệt.
"Các cơ quan báo chí sau sắp xếp đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, tuân thủ quy định pháp luật; bảo đảm công tác tổ chức, nhân sự, tài chính không để xảy ra vướng mắc; xây dựng kế hoạch hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tình hình mới" - ông Từ Lương thông tin.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và cơ quan báo chí đã nêu một số khó khăn sau khi sắp xếp, ví dụ: vấn đề quản lý tài sản, công tác phát hành... Lãnh đạo các đơn vị mong muốn được tạo điều kiện để báo chí hoạt động, phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số; nhanh chóng cung cấp thông tin để phản bác những thông tin sai lệch trên mạng xã hội; có cơ chế chống tình trạng "ăn cắp" tin, bài trên báo để đăng lại trên mạng xã hội.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng trước mắt, cần tính phương án tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động ổn định, nhất là bảo đảm đời sống của người lao động. Bộ TT-TT đang xây dựng cơ chế để các cơ quan báo chí phát triển kinh tế báo chí; nghiên cứu dự án sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 để công tác quản lý báo chí phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh lãnh đạo trung ương cũng như TP HCM đều mong muốn báo chí ngày càng phát triển mạnh mẽ để tiếp tục làm tốt vai trò dẫn dắt, làm cầu nối giữa hệ thống chính quyền với người dân. Quy hoạch sắp xếp lại cơ quan báo chí cũng nhằm mục đích để báo chí ngày càng phát triển và mạnh mẽ hơn nữa.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức yêu cầu Sở TT-TT tiếp thu, hoàn thiện báo cáo sơ kết; trong đó, lưu ý đánh giá sâu những kết quả của giai đoạn 1, phân tích rõ để chuẩn bị các bước, đề xuất hợp lý cho giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Bộ TT-TT nghiên cứu, xem xét tạo cơ chế linh hoạt hơn để các cơ quan báo chí phát huy tối đa năng lực.
Về phía các cơ quan báo chí, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho rằng cần tăng cường sự chủ động, sáng tạo trong xu thế phát triển mới; thích ứng với công cuộc chuyển đổi số cũng như thị hiếu, thói quen của bạn đọc; phải xác định nếu không thay đổi sẽ bị đào thải. "Chắc chắn lãnh đạo thành phố sẽ đồng hành với các cơ quan báo chí - truyền thông của TP HCM để tìm hướng phát triển" - ông Dương Anh Đức khẳng định.
Đổi mới hình thức, nội dung
Dịp này, UBND TP HCM tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP HCM đến năm 2025.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm trao Bằng khen của UBND TP HCM cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP HCM đến năm 2025
Trong giai đoạn 2 của đề án, thành phố tiếp tục triển khai theo hướng như sau: Báo in, tạp chí hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm; đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả. Đài Truyền hình TP HCM và Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả. Tập trung phát triển báo điện tử, tạp chí điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại.
Bình luận (0)