Trong 2 ngày 22 và 23-6, các trường ĐH ở TP HCM đã đồng loạt lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở, cho biết trường huy động đoàn 400 cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ tại 16/26 điểm thi của tỉnh Bình Thuận. Đoàn còn mang theo hơn 62 triệu đồng để hỗ trợ 251 thí sinh ở huyện đảo Phú Quý vào đất liền đi thi. Bình Thuận năm nay có 11.785 thí sinh tham gia tại 26 điểm thi. Đối với 251 thí sinh ở huyện Phú Quý, do không có điểm thi tại chỗ nên phải di chuyển vào đất liền để thi.
Thí sinh làm bài thi môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 Ảnh: TẤN THẠNH
PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết từ tháng 5, trường này đã tiền trạm và chuẩn bị chỗ ăn, ở cùng phương tiện đi lại cho 542 cán bộ, giảng viên và tất cả sẽ lên đường trong hôm nay (23-6) để ngày 24 bắt tay vào làm nhiệm vụ tại Bình Phước, Tây Ninh.
Trước đó, ngày 22-6, nhiều trường ở TP HCM như ĐH Nông Lâm, ĐH Luật, ĐH Sư phạm Kỹ thuật… hỗ trợ các địa phương xa cũng đã lên đường làm nhiệm vụ.
Ngoài việc chống tiêu cực đối với thí sinh trong phòng thi, một số trường còn đưa ra quy định cán bộ, giáo viên coi thi không được tách đoàn đi riêng, ở riêng. Một đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho biết việc thí sinh mang tài liệu vào phòng thi rất dễ phát hiện nhưng việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử thì rất khó.
Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm, ai cũng lo về việc sử dụng thiết bị công nghệ cao gian lận trong thi cử. Thí sinh sử dụng lo bị bại lộ, người coi thi lo không công bằng, các trường lo tuyển không đúng người, toàn xã hội lo nguồn nhân lực không thật. Nếu thực lực của thí sinh không tương xứng, vào không đúng chỗ thì đó không phải là quyết định khôn ngoan. Xã hội và nhu cầu thị trường đã được phân tầng, thí sinh nên chọn sự phù hợp và tương xứng, không nên chọn vị trí không thuộc về mình vì nó sẽ ra đi và quay lưng bất kỳ lúc nào.
Tại hội nghị triển khai công tác coi thi THPT quốc gia năm 2018 tổ chức ngày 22-6 ở Hà Nội, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP cho biết Hà Nội có 79.625 thí sinh đăng ký dự thi. TP đã huy động 8.021 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi; 1.233 nhân viên an ninh, trật tự viên phục vụ tại 123 điểm thi.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay sở đã phối hợp lực lượng công an phổ biến chi tiết cho các trưởng, phó điểm thi về cách phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể mang vào phòng thi; đồng thời triển khai các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế hành vi gian lận trong kỳ thi.
Năm nay, tại Hà Nội, hiệu trưởng trường có giáo viên làm nhiệm vụ coi thi vi phạm quy chế cũng bị xem xét để làm rõ xem quy trình lựa chọn người đi coi thi như thế nào, nhà trường đã tập huấn chưa. Khi sự cố xảy ra, mọi việc sẽ được Sở GD-ĐT phối hợp với công an truy cứu đến cùng.
Những lưu ý quan trọng
Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, chủ yếu là lớp 12; nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì phải thi đủ mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút (năm 2017 là 20 phút).
Điểm thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực được làm tròn đến 2chữ số thập phân.
Bình luận (0)