Tất nhiên, nhiều người chung cảnh ngộ cũng muốn vậy nhưng không thể "tính sổ" giống tôi, bởi họ chỉ có chỗ ở duy nhất trong khi còn đang ôm nợ ngân hàng vì vay tiền mua nhà bằng tài sản thế chấp là chính cái căn hộ đó.
Quan sát thì thấy trường hợp của mình cũng chưa là gì, nhiều chung cư bán sạch mà tận 10 năm sau cư dân vẫn không tờ giấy lận lưng. TP HCM còn hàng chục ngàn căn hộ chưa có giấy chủ quyền và con số này chắc chắn tăng lên theo thời gian. Rất hiếm trường hợp khiếu nại, khiếu kiện được giải quyết. Chủ đầu tư đổ thừa cho cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước đổ lỗi cho chủ đầu tư và ngân hàng. Đã có khá nhiều luật và văn bản dưới luật quy định, chế tài trường hợp chậm hoặc không cấp sổ hồng, song dường như chẳng mấy tác dụng.
Mấy tuần nay, tràn ngập thông tin về việc giới doanh nghiệp bất động sản bế tắc vì đói dòng tiền, kiến nghị giải cứu… Tôi tự hỏi, như trường hợp của mình, chủ đầu tư thế chấp tài sản tại ngân hàng (tức là lấy sổ đỏ của khu đất xây chung cư đó làm tài sản thế chấp, vay tiền nhà băng) trước khi xin cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ và chưa giải chấp, thì được ai giải cứu đây?
Mà chẳng phải chỉ các chủ đầu tư làm sai, tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp, nghe họ than trời vì bị các sở - ngành hành đủ kiểu, dù hồ sơ xin cấp sổ hồng đã ổn. Thế là cư dân bị vạ lây.
Tại một hội nghị mới đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có chuyện siết tín dụng bất động sản, đồng thời đưa ra con số chứng minh ngân hàng vẫn cho vay bất động sản khi đáp ứng các điều kiện theo quy định. Vướng mắc lớn nhất của bất động sản là pháp lý, phải tập trung giải quyết vấn đề này.
Như vậy, cần làm rõ "vướng mắc pháp lý" từ đâu: từ các luật, quy định hiện hữu hay do các bên (cơ quan nhà nước, chủ đầu tư bất động sản, ngân hàng) làm trái luật, dẫn tới bây giờ gỡ không được do đã lún sâu?
Nếu vướng mắc từ luật định hiện hành thì có thể tháo gỡ sớm được, bởi từ giữa tháng 11-2022, Chính phủ đã lập Tổ Công tác, giao nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố. Còn trong trường hợp vướng mắc do các bên cố ý làm trái thì phải nghiêm trị để làm lành mạnh hóa thị trường. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính vượt khó, phát triển nhưng không dung túng hành vi sai trái, không bao giờ giải cứu những chủ đầu tư chụp giật, đánh quả.
Tình cảnh của bất động sản hiện nay cũng là cơ hội để sửa đổi pháp luật về nhà ở, sao cho khuyến khích đầu tư vào phân khúc nhà giá rẻ nhằm nâng được đáng kể lượng cung nhà ở xã hội, tăng trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chủ đầu tư và tổ chức tín dụng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người mua nhà…
Bình luận (0)