Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, chỉ trong 2 năm qua, hàng ngàn người Việt Nam đã nhập cảnh trái phép vào Anh khi không lường hết được những nguy cơ trong hành trình khắc nghiệt ấy. Họ phải chịu cảnh co mình trong những container ngột ngạt, tối tăm hay lênh đênh trên những chiếc thuyền hơi nguy hiểm để vượt biển lạnh lẽo. Họ cũng dễ trở thành nạn nhân mua bán người và hoàn toàn có thể phải bỏ mạng nơi xứ người.
Bộ phim ngắn cảnh báo về những nguy cơ của di cư trái phép và mua bán người
Hôm nay, ngày 30-7, là ngày Thế giới phòng chống mua bán người và cũng là ngày Toàn dân phòng chống mua bán người của Việt Nam. Nhân dịp này, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam công bố một đoạn phim dài 3 phút về hình ảnh của một lao động Việt Nam rời bỏ gia đình, mái ấm của mình để di cư trái phép tới Anh với nhiều vất vả, rủi ro.
Thông điệp của Đại sứ Anh và Hoa hậu H'Hen Niê cảnh báo về nguy cơ của di cư trái phép vang lên ở phần kết bộ phim ngắn này.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Anh thông tin về việc Luật phòng chống di cư trái phép của Anh chính thức có hiệu lực, theo đó những người nhập cảnh trái phép sẽ không có quyền được ở lại hoặc xây dựng gia đình tại Anh.
Với nỗ lực ngăn chặn các đường dây đưa người sang Anh bất hợp pháp qua eo biển bằng thuyền hơi, Chính phủ Anh đã ban hành một đạo luật mới, theo đó những người nhập cảnh trái phép sẽ không có quyền được ở lại hoặc xây dựng gia đình tại Anh.
Luật về phòng chống di cư trái phép chính thức được thông qua vào ngày 20-7-2023 sau khi nhận được chấp thuận của Hoàng gia Anh.
Luật mới đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn các tuyến đường di cư bất hợp pháp, nguy hiểm vào Anh, đồng thời đẩy lùi động cơ đối với những ai muốn sử dụng các tuyến đường này.
Khi Luật phòng chống di cư trái phép có hiệu lực, những người vào Anh bất hợp pháp sẽ không có quyền được ở lại, mà sẽ bị đưa về nơi xuất phát hoặc đưa đến một nước thứ ba an toàn.
Luật mới cũng ngăn ngừa việc lạm dụng các cơ chế bảo hộ của Anh đối với người nhập cư theo các quy định pháp luật phòng, chống nô lệ hiện đại và bao gồm điều khoản để người nhập cư không được sử dụng các công cụ pháp lý cản trở việc trục xuất.
Theo Luật mới, những người đến Anh bất hợp pháp sẽ không được quay trở lại và không được xin định cư hay quốc tịch sau này, trừ những trường hợp đặc biệt.
Cũng như các Luật khác, việc triển khai Luật mới này sẽ được thực hiện từng bước trong thời gian tới, các cơ quan đang lên kế hoạch để triển khai từ tháng 9 tới.
Theo Luật mới, Tòa án sẽ không được quyền đưa ra các biện pháp tạm thời như lệnh cấm để cản trở việc trục xuất các đối tượng không được ở lại Anh hợp pháp, trừ một số trường hợp đặc biệt. Điều này có nghĩa là các phiên tòa khiếu kiện lại lệnh trục xuất chỉ có thể diễn ra sau khi người nhập cư đã được đưa về nước.
Điều kiện để tổ chức phiên xét xử tại Anh là đương đơn phải chứng minh được rằng có họ thực sự có nguy cơ bị tổn hại nặng nề nếu bị trục xuất, hoặc họ không đủ điều kiện để trục xuất theo Luật mới.
Luật cũng thiết lập các biện pháp chặt chẽ hơn trong việc đánh giá độ tuổi, tránh việc mất nhiều thời gian tranh cãi về độ tuổi và ảnh hưởng tới quá trình trục xuất những người được đánh giá ở tuổi trưởng thành. Luật cũng cho phép Bộ trưởng đưa ra các quy định mới về việc từ chối không tham gia vào việc đánh giá tuổi. Các biện pháp này sẽ được tiến hành đồng thời với việc thành lập Cơ quan đánh giá độ tuổi Quốc gia và xây dựng quy trình đánh giá khoa học để bảo vệ trẻ em, ví dụ sử dụng tia X-quang.
Chính phủ Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ những người cần được bảo vệ nhập cư an toàn và hợp pháp. Trong thời gian tới, Bộ Nội Vụ Anh sẽ tham vấn các cơ quan địa phương và các tổ chức liên quan để nắm được về quy mô và năng lực tiếp nhận và hỗ trợ các người nhập cư hợp pháp. Quốc hội sẽ quyết định số lượng người được hỗ trợ mỗi năm. Số lượng này sẽ được xem xét lại hàng năm.
Bình luận (0)