Tại tỉnh Quảng Ngãi, những ngày qua, nhiều địa phương chuyên trồng hoa trong tỉnh như các xã: Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa); xã Nghĩa Hà và các phường Chánh Lộ, Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi)… người trồng hoa đang tất bật chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán 2020.
Mưa bão nên hoa đổ bệnh
Ông Nguyễn Văn Minh, ngụ phường Chánh Lộ, cho hay từ tháng 4 âm lịch đã xuống giống 250 chậu hoa hồng, hướng dương, vạn thọ cao và mồng gà. "So mọi năm, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên các vườn hoa Tết phát triển khá tốt. Rất nhiều thương lái cũng đến thỏa thuận, thu mua từ sớm" - ông Minh vui vẻ.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, ước năm nay toàn tỉnh sẽ có hơn 400.000 chậu hoa Tết được đưa ra thị trường.
"Nhìn chung, năm nay không có mưa gió thất thường hay lũ lụt lớn nên hoa phát triển khá tốt. Hy vọng năm nay người trồng hoa vừa được mùa, được giá" - một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.
Trong lúc đó, tại thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) - nơi được xem là làng nghề trồng hoa cúc cảnh truyền thống lớn nhất tỉnh Bình Định, hoa cúc bị ảnh hưởng mưa bão nên đồng loạt đổ bệnh khiến dân trồng hoa điêu đứng.
Cũng như những năm trước, ông Phan Đình Muộn (ngụ xóm Đông, thôn Bình Lâm) trồng khoảng 1.000 chậu cúc nhưng nay thì đồng loạt đốm lá dẫn đến còi cọc, rũ ngọn và chết. "Bình thường, mỗi chậu cúc vụ Tết giá 350.000 - 400.000 đồng, sau khi trừ chi phí, chúng tôi lãi 100.000 đồng. Năm nay thì chắc chắn lỗ nặng" - ông Muộn rầu rĩ. Kế bên vườn cúc của ông Muộn, 300 chậu cúc của ông Trần Minh Sang cũng đang bị đốm lá, thiệt hại trên 70%. Nhằm vớt vát, ông Sang chuyển hướng trồng thêm các loại hoa ngắn ngày.
Theo các hộ trồng cúc lâu năm ở thôn Bình Lâm, cúc là dòng hoa truyền thống ở nhiều làng hoa khu vực miền Trung. Vài năm trở lại đây, người dân trồng hoa theo kiểu tự phát nên không bảo đảm về môi trường và kiểm soát bệnh tật, dẫn đến nhiều rủi ro.
Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết làng nghề trồng hoa cúc Bình Lâm có trên 300 hộ, hằng năm trồng từ 90.000 - 100.000 chậu cúc cho thị trường Tết, thu về 6-7 tỉ đồng. "Năm nay, làng hoa cúc Bình Lâm đứng trước nguy cơ thất thu. Sắp tới, địa phương sẽ quy hoạch làng hoa này vào khuôn khổ, phát triển theo quy trình khép kín. Ngoài ra, địa phương định hướng sẽ phát triển làng nghề đa dạng hơn để giúp người dân tăng năng suất, giảm thiểu các rủi ro" - ông Vương nói.
Tại tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, cho biết toàn tỉnh này đã xuống giống hơn 10.000 ha rau, hoa các loại để cung ứng cho thị trường Tết. Trong đó, 1.065 ha các loại hoa đã được xuống giống, tập trung chủ yếu tại các làng hoa chuyên canh của TP Đà Lạt như: Thái Phiên (phường 12), Hà Đông (phường 8), Vạn Thành (phường 5), Xuân Thành (xã Xuân Thọ)...
Khách hàng bắt đầu đông dần ở những vựa hoa kiểng tại TP Sa ĐécẢnh: Tâm Minh
Theo ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 - nơi chuyên canh hoa cúc lớn nhất TP Đà Lạt, địa phương này đã bắt đầu xuống giống vụ hoa Tết với hơn 80 ha, trong đó có khoảng 65 ha là cúc các loại. Ông Dinh nhìn nhận thêm giá hoa ly giống năm nay cao hơn những năm trước khoảng 3.000 - 5.000 đồng/củ nên người trồng khá lo lắng. Đối với hoa cúc, năm nay nông dân phường 12 mạnh dạn chuyển đổi sang giống calimero và cúc đóa cánh dài để hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, người trồng ở đây còn áp dụng biện pháp chắn lưới để diệt côn trùng gây hại hoa.
Rất nhiều nhà vườn, công ty trồng cây cảnh tại TP Đà Lạt đã cho ra những sản phẩm mới phục vụ Tết. Một trong số đó là hoa atisô. Bà Huỳnh Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phong Lan Việt, cho biết năm nay trang trại của công ty (tại phường 11, TP Đà Lạt) chuẩn bị hơn 100 chậu kiểng atisô có tuổi thọ từ 2-3 năm trở lên, giá từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng/chậu.
"Cây atisô lần đầu tiên được chúng tôi đưa vào chậu như một loại hoa kiểng. Cây đủ tiêu chuẩn vào chậu phải có dáng đẹp, hoa bung nở có màu tím rất đẹp. Sau khi chưng Tết khoảng 1-2 tháng, có thể sử dụng thân, lá, rễ có thành phần thảo dược, bổ dưỡng làm thực phẩm" - bà Hằng nói.
Kiểng cổ, quý sẵn sàng
Những ngày này, ở làng hoa TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đâu đâu cũng thấy người dân cần mẫn chăm sóc hoa Tết.
Ông Nguyễn Văn Bình Em (ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) chia sẻ: "Hơn tháng qua, gia đình tôi đã xuống giống 10.000 giỏ hoa chuẩn bị cho Tết nguyên đán, với chi phí đầu tư hơn 100 triệu đồng. Hiện các loại hoa này đang phát triển tốt, tôi đang xử lý để hoa nở đúng dịp Tết. Với các giống hoa cao cấp như cúc đồng tiền, tôi đầu tư nhà màn để hoa phát triển tốt hơn".
Cũng tại TP Sa Đéc, có thâm niên nhiều năm trồng hoa Tết, với diện tích hơn 6.000 m2, gia đình ông Trần Thanh Toản chuẩn bị hơn 15.000 giỏ hoa ly, hồng, dạ yến thảo, cát tường... Ông Toản tiết lộ: "Cuối tháng 8 dương lịch, gia đình tôi và nhiều nông dân đã làm đất và xuống giống một số loại hoa. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi bất thường nên việc trồng hoa cũng gặp khó khăn nhất định".
Cùng với hoa, các nghệ nhân làng hoa Sa Đéc cũng bận rộn với việc chăm sóc những giống kiểng cổ, quý. Ông Bùi Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc, cho biết: "Hiện tại, tôi và các thành viên đang chạy đua với thời gian để sáng tạo những sản phẩm mới. Cùng với đó, do giá trị cao nên chúng tôi phải kỹ càng khâu bảo tồn, chăm sóc tác phẩm. Như mọi năm, các sản phẩm kiểng cổ, quý sẽ được trưng bày, giới thiệu với du khách gần xa tại Lễ hội hoa Xuân".
Để bảo đảm nhu cầu canh tác hoa Tết, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp cung ứng hơn 400.000 cây hoa giống theo đơn đặt hàng của nông dân. Theo lãnh đạo trung tâm, nhằm cung ứng nguồn giống hoa kiểng tốt cho nông dân, đơn vị đã tập trung nghiên cứu nhân giống. Các giống hoa đều qua quá trình thử nghiệm trong phòng kín và nhà màng nhằm thích ứng tốt với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để hỗ trợ nông dân cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho rằng nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, đơn vị đã khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để giảm chi phí, sản xuất an toàn, chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại tìm thêm thị trường tiêu thụ. Địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển trung tâm phân phối hoa kiểng nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng chủ lực này.
Bình luận (0)